Thực hiện trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ như thế nào?

Trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện như thế nào? Quy định về trách nhiệm cụ thể quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số bộ, cơ quan ngang bộ như thế nào? 

Nội dung chính

    Trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ được thực hiện như thế nào?

    Tại Khoản 1 Điều 160 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ, trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ:

    - Chủ trì xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật về tái sử dụng, tái chế và sử dụng chất thải làm nguyên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; chủ trì xây dựng và triển khai các chương trình, đề án, dự án về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo phân công của cơ quan có thẩm quyền; phối hợp xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường;

    - Hướng dẫn, xây dựng năng lực và tổ chức thực hiện phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ, ứng phó sự cố môi trường; tổ chức thực hiện tái sử dụng, tái chế chất thải, bảo vệ môi trường đối với chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

    - Tổ chức kiểm tra việc thực hiện văn bản pháp luật được giao chủ trì xây dựng, ban hành theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này trong hoạt động kiểm tra thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực; phối hợp kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;

    - Thực hiện lồng ghép và tổ chức thực hiện nội dung kinh tế tuần hoàn, đầu tư phát triển vốn tự nhiên trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; lồng ghép yêu cầu về bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, hoạt động đầu tư thuộc phạm vi quản lý ngành, lĩnh vực;

    - Tổ chức quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật; xây dựng hoặc phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường theo thẩm quyền và tích hợp vào cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia;

    - Đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành, cung cấp, cập nhật thông tin môi trường, cơ sở dữ liệu môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

    - Tổ chức truyền thông, phổ biến kiến thức, tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;

    - Tổ chức thực hiện hội nhập và hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường, lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong các hiệp định, thỏa thuận thương mại quốc tế thuộc phạm vi quản lý của ngành, lĩnh vực;

    - Phối hợp lập, triển khai thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, không khí, kế hoạch xử lý, cải tạo và phục hồi khu vực ô nhiễm môi trường đất theo quy định của pháp luật;

    - Các nhiệm vụ khác theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định này.

    Thực hiện trách nhiệm chung quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các bộ, cơ quan ngang bộ như thế nào? (Hình từ internet)

    Quy định về trách nhiệm cụ thể quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số bộ, cơ quan ngang bộ như thế nào? 

    Tại Khoản 2 Điều 160 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm cụ thể quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số bộ, cơ quan ngang bộ trách nhiệm cụ thể quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của một số bộ, cơ quan ngang bộ:

    - Bộ Công Thương chỉ đạo phát triển ngành công nghiệp môi trường; phối hợp tổ chức thực hiện các yêu cầu về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý hóa chất, xuất khẩu, nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất ô nhiễm khó phân hủy và nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, sản phẩm, hàng hóa, thiết bị có chứa chất ô nhiễm khó phân hủy theo quy định của pháp luật;

    - Bộ Xây dựng tổ chức xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về thiết kế hệ thống thu gom chất thải rắn phù hợp với việc phân loại chất thải rắn tại nguồn của khu trung tâm thương mại kết hợp với căn hộ, chung cư kết hợp với văn phòng, tổ hợp công trình cao tầng có chức năng hỗn hợp; hướng dẫn về công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung;

    - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và hướng dẫn thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; chỉ đạo, tổ chức quản lý bùn nạo vét từ kênh, mương và công trình thủy lợi đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; hướng dẫn việc thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp tái sử dụng cho mục đích khác; xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách phát triển nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

    - Bộ Giao thông vận tải xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông vận tải theo quy định của pháp luật; chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động nạo vét trong vùng nước cảng biển và vùng nước đường thủy nội địa theo quy định của pháp luật; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách chuyển đổi, loại bỏ phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường; tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tầng ô-dôn trong hoạt động hàng hải, hàng không theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các lĩnh vực khác thuộc phạm vi quản lý;

    - Bộ Y tế hướng dẫn, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về quản lý chất thải, bảo vệ môi trường trong khuôn viên bệnh viện và cơ sở y tế; bảo vệ môi trường trong phòng, chống dịch bệnh; quy định về mai táng, hỏa táng người chết do dịch bệnh nguy hiểm; hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người theo quy định của pháp luật; hướng dẫn, thu thập thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu và báo cáo về sử dụng hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

    - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thực hiện quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch; phát triển cơ sở lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch thân thiện môi trường;

    - Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định quy chuẩn kỹ thuật môi trường, công bố tiêu chuẩn quốc gia về môi trường theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật và pháp luật về bảo vệ môi trường; phối hợp xây dựng, ban hành và thực hiện hướng dẫn kỹ thuật hiện có tốt nhất theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện chương trình quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực theo quy định của pháp luật;

    - Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lồng ghép nội dung kiến thức về môi trường, bảo vệ môi trường trong xây dựng, thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo các cấp bậc học và trình độ đào tạo; phát triển nguồn nhân lực bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo;

    - Bộ Tài chính xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định về quản lý và sử dụng tiền ký quỹ bảo vệ môi trường, thành lập thị trường các-bon trong nước, cơ chế quản lý tài chính đối với quỹ bảo vệ môi trường, mua sắm xanh theo quy định của pháp luật; tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền phân bổ nguồn chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hải quan;

    - Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình cơ quan có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn đầu tư phát triển bảo đảm yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nguồn lực bảo vệ môi trường trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật; xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách về mua sắm xanh;

    - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn, tổ chức thực hiện chính sách quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng xanh; khuyến khích tài trợ cho vay ưu đãi đối với dự án được cấp tín dụng xanh theo quy định của pháp luật.

    Trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức tham gia bảo vệ môi trường là gì?

    Tại Điều 161 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định về trách nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia bảo vệ môi trường như sau:

    - Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện để tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện các quyền quy định tại Khoản 2 Điều 158 Luật Bảo vệ môi trường.

    - Ngoài quy định tại Khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp xem xét, tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các quyền trong bảo vệ môi trường sau:

    - Tiếp cận nguồn lực về tài chính trong sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường;

    - Bồi dưỡng nâng cao kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường cho các tổ chức chính trị - xã hội.

    47