Theo pháp luật Việt Nam hiện hành có được nhận con nuôi nếu chồng không đồng ý hay không?
Nội dung chính
Theo pháp luật Việt Nam hiện hành có được nhận con nuôi nếu chồng không đồng ý hay không?
Điều kiện của người được nhận làm con nuôi và người nhận nuôi con nuôi:
Tại khoản 1,2 điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 có hiệu lực ngày 1/1/2011 quy định điều kiện về độ tuổi để được nhận làm con nuôi:
- Trẻ em dưới 16 tuổi.
- Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
+ Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi”.
Vì chị không nói cụ thể cháu trai có quan hệ họ hàng với chị như thế nào? Nếu cháu bé là cháu ruột của chị (chị là cô, dì hay bác ruột) thì chị có thể nhận cháu bé đã đủ 16 đến dưới 18 tuổi. Nhưng nếu không phải là cháu ruột thì vợ chồng chị chỉ có thể nhận con nuôi dưới 16 tuổi.
Tuy nhiên theo quy định tại khoản 3 điều 8 Luật nuôi con nuôi năm 2010 thì: “Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”.
Như vậy, chị đã kết hôn do đó muốn nhận nuôi con nuôi thì phải cả hai vợ chồng cùng đồng ý và nhận cháu bé làm con nuôi của cả hai vợ chồng chứ không thể nhận làm con nuôi của riêng vợ hoặc chồng được.
Ngoài ra muốn nhận con nuôi vợ chồng chị còn phải đáp ứng các điều kiện như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; Có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt…
Về thẩm quyền thực hiện thủ tục đăng ký nuôi con nuôi:
Tại điều 9 Luật nuôi con nuôi năm 2010 quy định:
Thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi
- Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
- Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
- Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.
Như vậy nếu cả hai vợ chồng chị có đủ điều kiện nhận nuôi con nuôi và cả hai đều muốn nhận con nuôi thì có thể nhận nuôi con nuôi với điều kiện về độ tuổi như trên và làm thủ tục đăng ký tại UBND xã, phường nơi thường trú của vợ chồng chị hoặc của cháu bé (trường hợp không có yếu tố nước ngoài).