Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là sổ nào?
Nội dung chính
Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là sổ nào?
Mẫu Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mới nhất hiện nay được lập theo Mẫu số 02/ĐK Phụ lục số 06 ban hành kèm Thông tư 10/2024/TT-BTNMT:
Tải về mẫu Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được áp dụng từ năm 2024 tại đây.
Sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là sổ nào? (Hình từ Internet)
Pháp luật có quy định gì về việc in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 31 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT về việc in Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:
Việc in Giấy chứng nhận được thực hiện qua phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai. Nếu địa phương chưa có cơ sở dữ liệu, thông tin trong hồ sơ đăng ký sẽ được dùng để tạo dữ liệu trong phần mềm này và tiến hành in Giấy chứng nhận.
Thông tin chi tiết trên Giấy chứng nhận phải tuân theo quy định tại các điều từ 32 đến 41 của Thông tư 10/2024/TT-BTNMT:
- Thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất
- Thông tin về thửa đất
- Thể hiện thông tin về tài sản gắn liền với đất
- Thể hiện nội dung trên Giấy chứng nhận cấp cho nhiều thửa đất nông nghiệp
- Thể hiện nội dung Giấy chứng nhận trong trường hợp thửa đất có phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất của chung nhiều người và có phần diện tích đất, tài sản gắn liền với đất của riêng từng người mà không tách thành thửa đất riêng
- Thể hiện nội dung trong trường hợp cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản gắn liền với đất trên nhiều thửa đất
- Phần ký Giấy chứng nhận và ghi số vào sổ cấp Giấy chứng nhận
- Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận
- Thể hiện nội dung tại mục Ghi chú trên Giấy chứng nhận
- Việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Về kiểu chữ và kích thước:
- Số hiệu, tên mục và điểm được in bằng chữ 'Times New Roman, Bold', cỡ 13; các điểm in nghiêng.
- Nội dung của các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 6 được in bằng chữ 'Times New Roman, Regular', cỡ tối thiểu 12. Riêng tên người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản tại mục 1 in đậm, cỡ tối thiểu 13.
- Màu chữ và số trên Giấy chứng nhận là màu đen.
Hướng dẫn cách xem sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận.
Căn cứ theo Điều 39 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định về việc viết và xem sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận như sau:
Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất trên Giấy chứng nhận
1. Sơ đồ thửa đất được thể hiện như sau:
a) Sơ đồ thửa đất thể hiện các thông tin gồm:
- Thông tin về số thứ tự thửa đất, diện tích, hình thể thửa đất, tọa độ đỉnh thửa, chiều dài các cạnh thửa;
- Số hiệu thửa giáp ranh hoặc tên công trình giáp ranh, chỉ dẫn hướng Bắc - Nam;
- Chỉ giới, mốc giới quy hoạch sử dụng đất, chỉ giới, mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình trên thửa đất được thể hiện bằng đường nét đứt xen nét chấm kèm theo ghi chú loại chỉ giới, mốc giới;
- Trường hợp thửa đất có phần diện tích đất sử dụng riêng của một người và phần diện tích đất sử dụng chung của nhiều người thì thể hiện ranh giới giữa các phần diện tích đất bằng đường nét đứt xen nét chấm, kèm theo ghi chú thích theo mục đích của đường ranh giới đó.
Trường hợp đất có nhà chung cư hoặc công trình xây dựng không phải là nhà ở mà diện tích đất sử dụng chung của các chủ sở hữu là một phần diện tích của thửa đất thì phải thể hiện phạm vi ranh giới phần đất sử dụng chung đó;
b) Những trường hợp không thể hiện sơ đồ thửa đất gồm:
- Giấy chứng nhận cấp cho nhiều thửa đất nông nghiệp;
- Giấy chứng nhận cấp cho công ty nông, lâm nghiệp, trừ trường hợp thửa đất sử dụng vào mục đích xây dựng trụ sở của công ty;
- Giấy chứng nhận cấp cho toàn bộ diện tích đất để thực hiện dự án bất động sản;
- Đối tượng địa lý hình tuyến. Ví dụ: “Đường giao thông, đường dẫn điện, đường dẫn nước của tổ chức đầu tư xây dựng theo hình thức BOT”.
2. Sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng:
a) Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng được thể hiện như sau:
- Sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất tại vị trí tương ứng với thực địa; trường hợp đường ranh giới nhà ở, công trình xây dựng trùng với ranh giới thửa đất thì thể hiện theo ranh giới thửa đất;
- Sơ đồ nhà ở (trừ căn hộ chung cư), công trình xây dựng thể hiện phạm vi ranh giới xây dựng (là phạm vi chiếm đất tại vị trí tiếp xúc với mặt đất theo mép ngoài tường bao) của nhà ở, công trình xây dựng;
- Trường hợp căn hộ chung cư thì thể hiện sơ đồ mặt bằng của tầng nhà chung cư có căn hộ; trong đó thể hiện vị trí, hình dáng mặt bằng theo tường bao ngoài của căn hộ (không thể hiện từng phòng trong căn hộ), ký hiệu (mũi tên) cửa ra vào căn hộ, kích thước các cạnh của căn hộ;
b) Các trường hợp không thể hiện sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng:
- Các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- Thửa đất được cấp Giấy chứng nhận có từ 03 tài sản trở lên thì không thể hiện sơ đồ tài sản trên Giấy chứng nhận mà thể hiện tại mã QR của Giấy chứng nhận, trừ trường hợp các tài sản trên thửa đất của cá nhân hoặc của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
3. Sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất thể hiện trên Giấy chứng nhận được căn cứ vào kích thước thửa đất, tài sản gắn liền với đất và có thể phóng to hoặc thu nhỏ theo tỷ lệ đồng dạng để thể hiện cho phù hợp.
Hình thức, nội dung của sơ đồ thửa đất, tài sản gắn liền với đất được hướng dẫn cụ thể tại Phụ lục số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
Như vậy, trên Giấy chứng nhận thì sơ đồ thửa đất bao gồm các thông tin như số thứ tự, diện tích, hình thể, tọa độ đỉnh, chiều dài các cạnh, cùng thông tin về thửa giáp ranh và chỉ giới quy hoạch. Nếu thửa đất có phần diện tích riêng và chung, ranh giới sẽ được thể hiện rõ ràng. Một số trường hợp không cần sơ đồ thửa đất bao gồm Giấy chứng nhận cho nhiều thửa nông nghiệp hoặc cho toàn bộ diện tích dự án bất động sản.
Sơ đồ nhà ở và công trình xây dựng được thể hiện bằng đường nét đứt liên tục trên sơ đồ thửa đất. Nó mô tả ranh giới xây dựng và, đối với căn hộ chung cư, sẽ có sơ đồ mặt bằng tầng với vị trí và kích thước của căn hộ. Những trường hợp không thể hiện sơ đồ này cũng tương tự như ở thửa đất; nếu có từ ba tài sản trở lên, sơ đồ sẽ không được hiển thị mà thông tin sẽ có trong mã QR.
Sơ đồ thửa đất và tài sản gắn liền phải dựa trên kích thước thực tế và có thể được điều chỉnh tỷ lệ để phù hợp. Hình thức và nội dung cụ thể của sơ đồ được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục số 03 của Thông tư.