Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu mà ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu nào?

Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu mà ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu nào? Yêu cầu cần tuân thủ của Chính sách dự phòng rủi ro tối thiểu là gì?

Nội dung chính

    Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu mà ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu nào?

    Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư 31/2024/TT-NHNN, Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu sau:

    - Được xây dựng trên cơ sở thông tin, số liệu khách hàng đã thu thập được, kết quả xếp hạng khách hàng theo hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;

    - Được áp dụng thống nhất và nhất quán trong toàn hệ thống, làm cơ sở để thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý nợ đối với khách hàng cụ thể;

    - Có quy định chính sách tín dụng đối với khách hàng, trong đó bao gồm quy định về điều kiện cấp tín dụng, hạn mức cấp tín dụng, lãi suất, hồ sơ, trình tự, thủ tục, quy trình thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý nợ;

    - Có quy định về quản lý nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng;

    - Có quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân trong việc thẩm định, phê duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, quản lý tài sản bảo đảm;

    - Có quy định về quy trình, nội dung kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau khi cấp tín dụng;

    - Có quy định về biện pháp bảo đảm, thẩm định và quản lý tài sản bảo đảm;

    - Có quy định về định giá tài sản bảo đảm, bao gồm nguyên tắc, định kỳ, phương pháp, quy trình và trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc định giá tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật để đảm bảo giá trị tài sản bảo đảm phù hợp với giá trị thị trường khi tính số tiền trích lập dự phòng cụ thể theo quy định tại Nghị định về trích lập dự phòng rủi ro;

    - Có quy định về các biện pháp thu hồi nợ.

    Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu mà ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu nào?

    Quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý nợ tối thiểu mà ngân hàng thương mại phải đáp ứng các yêu cầu nào? (Hình từ Internet) 

    Yêu cầu cần tuân thủ của Chính sách dự phòng rủi ro tối thiểu là gì?

    Chính sách dự phòng rủi ro tối thiểu phải đáp ứng các yêu cầu tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 31/2024/TT-NHNN sau:

    - Phù hợp với các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, chế độ tài chính; về chế độ báo cáo, thống kê;

    - Có quy trình thu thập thông tin, số liệu về khách hàng, bảo đảm phân loại nợ, cam kết ngoại bảng chính xác, quản lý nợ xấu, quản lý số dư cấp tín dụng xấu, trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định;

    - Có quy định cụ thể về việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động đối với từng đối tượng khách hàng theo định kỳ, đột xuất;

    - Có quy định quyền hạn, trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc phân loại nợ, cam kết ngoại bảng, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro trong hoạt động;

    - Có cơ chế kiểm tra, giám sát và báo cáo các nội dung quy định từ điểm a đến điểm d Khoản 3 Điều 6 Thông tư 31/2024/TT-NHNN.

    Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng thương mại

    Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 5 Thông tư 31/2024/TT-NHNN như sau:

    (1) Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ là hệ thống gồm:

    - Các bộ chỉ tiêu tài chính và phi tài chính, các quy trình đánh giá khả năng trả nợ, thanh toán của khách hàng trên cơ sở định tính và định lượng về mặt tài chính, tình hình kinh doanh, quản trị, uy tín của khách hàng, kể cả khách hàng là đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng; các thông tin về người có liên quan của khách hàng là đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng;

    - Phương pháp đánh giá xếp hạng cho từng nhóm đối tượng khách hàng khác nhau.

    (2) Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải được xây dựng theo các nguyên tắc sau:

    - Xây dựng trên cơ sở số liệu, thông tin của tất cả khách hàng đã thu thập được trong thời gian ít nhất 01 (một) năm liền kề trước năm xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;

    - Ít nhất mỗi năm một lần, hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ phải được xem xét, đánh giá trên cơ sở số liệu, thông tin khách hàng thu thập được trong năm; ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng thực hiện sửa đổi, bổ sung hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ (nếu cần thiết);

    - Có quy định các mức xếp hạng tương ứng với mức độ rủi ro từ thấp đến cao;

    - Được Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên (đối với ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phi ngân hàng), Tổng giám đốc hoặc Giám đốc (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) phê duyệt áp dụng.

    (3) Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ để xếp hạng khách hàng theo định kỳ và khi cần thiết, làm cơ sở cho việc xét duyệt cấp tín dụng, quản lý chất lượng tín dụng, xây dựng chính sách dự phòng rủi ro phù hợp với phạm vi hoạt động, đối tượng khách hàng và tình hình thực tế của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

    Tổ chức tín dụng phi ngân hàng không bắt buộc phải có hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ. Trường hợp tổ chức tín dụng phi ngân hàng xây dựng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ thì phải đáp ứng các quy định tại Thông tư 31/2024/TT-NHNN.

    (4) Trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng phải gửi trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc phương tiện điện tử cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản 5 Điều này các văn bản sau:

    - Đối với trường hợp ban hành mới:

    (i) Văn bản báo cáo về việc ban hành, áp dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ;

    (ii) Hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, tài liệu mô tả về hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, quy trình thu thập thông tin, số liệu về khách hàng, xếp hạng khách hàng;

    (iii) Hướng dẫn sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, bao gồm cả việc phân cấp, ủy quyền trong việc thu thập thông tin, số liệu về khách hàng, xếp hạng khách hàng;

    - Đối với trường hợp sửa đổi, bổ sung:

    (i) Văn bản báo cáo về việc sửa đổi, bổ sung hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ, trong đó báo cáo rõ lý do sửa đổi, bổ sung;

    (ii) Các văn bản sửa đổi, bổ sung hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ và hướng dẫn sử dụng hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ.

    (5) Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại khoản (4) như sau:

    - Ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng), trừ trường hợp quy định tại điểm b Khoản 5 Điều 5 Thông tư 31/2024/TT-NHNN;

    - Chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc đối tượng thanh tra, giám sát an toàn vi mô của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đó.

    Chuyên viên pháp lý Phạm Thị Thu Hà
    14
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ