Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Pháp luật định nghĩa hàng hóa nguy hiểm là gì? Có những loại hàng nguy hiểm nào theo quy định pháp luật?

Pháp luật định nghĩa hàng hóa nguy hiểm là gì? Có những loại hàng nguy hiểm nào theo quy định pháp luật? Thời gian tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm là bao lâu?

Nội dung chính

    Pháp luật định nghĩa hàng hóa nguy hiểm là gì?

    Tại khoản 2 Điều 3 Nghị định 34/2024/NĐ-CP có quy định về hàng nguy hiểm như sau:

    Hàng nguy hiểm hay còn gọi là hàng hóa nguy hiểm là hàng hóa có chứa các chất nguy hiểm khi chở trên đường bộ hoặc đường thủy nội địa có khả năng gây nguy hại tới tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia.

    Có những loại hàng nguy hiểm nào theo quy định pháp luật?

    Tại Điều 4 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định 9 nhóm hàng nguy hiểm bao gồm:

    - Loại 1. Chất nổ và vật phẩm dễ nổ;

    + Nhóm 1.1: Chất và vật phẩm có nguy cơ nổ rộng.

    + Nhóm 1.2: Chất và vật phẩm có nguy cơ bắn tóe nhưng không nổ rộng.

    + Nhóm 1.3: Chất và vật phẩm có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc bắn tóe nhỏ hoặc cả hai, nhưng không nổ rộng.

    + Nhóm 1.4: Chất và vật phẩm có nguy cơ không đáng kể.

    + Nhóm 1.5: Chất không nhạy nhưng có nguy cơ nổ rộng.

    + Nhóm 1.6: Vật phẩm đặc biệt không nhạy, không có nguy cơ nổ rộng.

    - Loại 2. Khí;

    + Nhóm 2.1: Khí dễ cháy.

    + Nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc hại.

    + Nhóm 2.3: Khí độc hại.

    - Loại 3. Chất lỏng dễ cháy và chất nổ lỏng khử nhạy;

    - Loại 4;

    + Nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy, chất tự phản ứng và chất nổ rắn được ngâm trong chất lỏng hoặc bị khử nhạy.

    + Nhóm 4.2: Chất có khả năng tự bốc cháy.

    + Nhóm 4.3: Chất khi tiếp xúc với nước tạo ra khí dễ cháy.

    - Loại 5;

    + Nhóm 5.1: Chất ôxi hóa.

    + Nhóm 5.2: Perôxít hữu cơ.

    - Loại 6;

    + Nhóm 6.1: Chất độc.

    + Nhóm 6.2: Chất gây nhiễm bệnh.

    - Loại 7: Chất phóng xạ;

    - Loại 8: Chất ăn mòn;

    - Loại 9: Chất và vật phẩm nguy hiểm khác.


    Pháp luật định nghĩa hàng hóa nguy hiểm là gì? Có những loại hàng nguy hiểm nào theo quy định pháp luật? (Hình từ Internet)

    Thời gian tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm là bao lâu?

    Tại khoản 1 Điều 8 Nghị định 34/2024/NĐ-CP có quy định thời gian tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm như sau:

    - Người thuê vận tải hoặc người vận tải có trách nhiệm tổ chức huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm hoặc cử các đối tượng là người điều khiển phương tiện, người áp tải, người thủ kho, người xếp dỡ tham gia khóa huấn luyện của các đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm, định kỳ 02 năm một lần;

    - Hoạt động huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm được tổ chức riêng hoặc kết hợp với hoạt động huấn luyện an toàn khác;

    - Người đã được huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm phải được huấn luyện lại trong các trường hợp sau đây:

    Khi có sự thay đổi chủng loại hàng hóa nguy hiểm trong quá trình vận chuyển; khi người đã được huấn luyện thay đổi vị trí làm việc; sau 02 lần kiểm tra người đã được huấn luyện không đạt yêu cầu; khi hết thời hạn 02 năm từ kể từ lần được huấn luyện trước.

    Thời gian huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm tối thiểu là bao nhiêu giờ?

    Tại khoản 5 Điều 8 Nghị định 34/2024/NĐ-CP quy định về huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm như sau:

    Huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm

    ....

    4. Người huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm phải có trình độ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm công tác phù hợp với chuyên ngành tập huấn.

    5. Thời gian huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm: Tối thiểu 16 giờ cho mỗi loại và nhóm hàng nguy hiểm, bao gồm cả thời gian kiểm tra.

    6. Đánh giá kết quả và lưu giữ hồ sơ huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm

    a) Người thuê vận tải hoặc người vận tải hoặc đơn vị có chức năng huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm chịu trách nhiệm kiểm tra để đánh giá kết quả huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm;

    b) Kiểm tra nội dung huấn luyện: Nội dung kiểm tra phải phù hợp với nội dung huấn luyện. Thời gian kiểm tra tối đa là 02 giờ. Bài kiểm tra đạt yêu cầu phải đạt điểm trung bình trở lên;

    c) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi kết thúc huấn luyện và kiểm tra kết quả huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm, tổ chức, cá nhân tổ chức huấn luyện, kiểm tra ban hành quyết định công nhận kết quả kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm.

    7. Hồ sơ huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm gồm: Nội dung huấn luyện; danh sách người được huấn luyện với các thông tin: Họ tên, ngày tháng năm sinh, chức danh, vị trí làm việc, chữ ký xác nhận tham gia huấn luyện; thông tin về người huấn luyện bao gồm: Họ tên, ngày tháng năm sinh, trình độ học vấn, chuyên ngành được đào tạo, kinh nghiệm công tác, kèm theo các tài liệu chứng minh; nội dung và kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm; quyết định công nhận kết quả kiểm tra huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm của tổ chức, cá nhân.

    8. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ đầy đủ hồ sơ quy định tại khoản 7 Điều này trong thời gian 03 năm và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu.

    Như vậy, thời gian huấn luyện an toàn hàng hóa nguy hiểm tối thiểu 16 giờ cho mỗi loại và nhóm hàng nguy hiểm, bao gồm cả thời gian kiểm tra.

    8