Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm mấy yếu tố?

Chuyên viên pháp lý: Nguyễn Ngọc Thùy Dương
Tham vấn bởi Luật sư: Phạm Thanh Hữu
Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm mấy yếu tố? Chủ đầu tư được tự tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh không?

Nội dung chính

    Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm mấy yếu tố?

    Căn cứ khoản 3 Điều 36 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:

    Nhiệm vụ thiết kế xây dựng
    1. Chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án (khi chưa xác định chủ đầu tư) lập hoặc thuê tổ chức, cá nhân có năng lực về thiết kế xây dựng theo quy định tại Nghị định này lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng.
    2. Nhiệm vụ thiết kế xây dựng phải phù hợp với chủ trương đầu tư và là căn cứ để lập dự án đầu tư xây dựng, lập thiết kế xây dựng. Chủ đầu tư được thuê tổ chức tư vấn, chuyên gia để góp ý hoặc thẩm tra nhiệm vụ thiết kế.
    3. Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng bao gồm:
    a) Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;
    b) Mục tiêu xây dựng công trình;
    c) Địa điểm xây dựng công trình;
    d) Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;
    đ) Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng, tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.
    ...

    Như vậy, nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm 5 yếu tố, cụ thể:

    - Các căn cứ để lập nhiệm vụ thiết kế xây dựng;

    - Mục tiêu xây dựng công trình;

    - Địa điểm xây dựng công trình;

    - Các yêu cầu về quy hoạch, cảnh quan và kiến trúc của công trình;

    - Các yêu cầu về quy mô và thời hạn sử dụng công trình, công năng sử dụng, tiêu chuẩn và các yêu cầu kỹ thuật khác đối với công trình.

    Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm mấy yếu tố?

    Nội dung chính của nhiệm vụ thiết kế xây dựng gồm mấy yếu tố? (Ảnh từ Internet)

    Chủ đầu tư được tự tổ chức thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh không?

    Theo khoản 3 Điều 49 Nghị định 175/2024/NĐ-CP quy định:

    Điều chỉnh thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở
    1. Công trình xây dựng thuộc đối tượng phải thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điều 44 Nghị định này, khi điều chỉnh thiết kế xây dựng, cơ quan chuyên môn về xây dựng chỉ thực hiện thẩm định thiết kế xây dựng điều chỉnh đối với các trường hợp sau:
    a) Điều chỉnh, bổ sung thiết kế xây dựng có thay đổi về giải pháp kết cấu chính như: điều chỉnh giải pháp xử lý nền đất yếu (trừ công trình theo tuyến điều chỉnh cục bộ), giải pháp thiết kế móng/ngầm, giải pháp thiết kế phần trên/phần thân và điều chỉnh giải pháp sử dụng vật liệu cho các loại kết cấu nêu trên;
    b) Điều chỉnh biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình dẫn đến phải điều chỉnh kết cấu chịu lực của công trình đã được thẩm định và phê duyệt;
    c) Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu thẩm định điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng tại cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định này.
    2. Việc thẩm tra thiết kế xây dựng điều chỉnh thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 43 Nghị định này.
    3. Đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, bổ sung không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, chủ đầu tư tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.
    ...

    Như vậy, đối với thiết kế xây dựng điều chỉnh, bổ sung không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư được tự tổ chức thẩm định làm cơ sở phê duyệt.

    Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định ra sao?

    Theo Điều 45 Nghị định 175/2024/NĐ-CP thì hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở tại cơ quan chuyên môn về xây dựng quy định như sau:

    (1) Hồ sơ trình thẩm định phải bảo đảm tính pháp lý, phù hợp với nội dung đề nghị thẩm định. Hồ sơ trình thẩm định được xem là hợp lệ khi bảo đảm các nội dung quy định tại (2), đúng quy cách, được trình bày với ngôn ngữ chính là tiếng Việt, được người đề nghị thẩm định kiểm tra, xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của hồ sơ trình thẩm định.

    (2) Hồ sơ trình thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở gồm:

    - Tờ trình thẩm định quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định 175/2024/NĐ-CP

    - Các văn bản pháp lý kèm theo, gồm: quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng kèm theo Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng được phê duyệt; văn bản thông báo kết quả thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng và hồ sơ bản vẽ thiết kế cơ sở được đóng dấu xác nhận kèm theo; Báo cáo kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng của nhà thầu tư vấn thẩm tra được chủ đầu tư xác nhận (nếu có yêu cầu); văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy (nếu có yêu cầu theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy) và các văn bản khác có liên quan.

    Thủ tục về phòng cháy và chữa cháy được thực hiện theo nguyên tắc đồng thời, không yêu cầu bắt buộc xuất trình tại thời điểm trình hồ sơ thẩm định, song phải có kết quả gửi cơ quan chuyên môn về xây dựng trước thời hạn thông báo kết quả thẩm định 05 ngày;

    - Hồ sơ khảo sát xây dựng được chủ đầu tư phê duyệt; hồ sơ thiết kế xây dựng của bước thiết kế xây dựng trình thẩm định;

    - Mã số chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng của nhà thầu khảo sát, nhà thầu lập thiết kế xây dựng, nhà thầu thẩm tra; mã số chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng của các chức danh chủ nhiệm khảo sát xây dựng; chủ nhiệm, chủ trì các bộ môn thiết kế; chủ nhiệm, chủ trì thẩm tra; Giấy phép hoạt động xây dựng của nhà thầu nước ngoài (nếu có);

    - Đối với các công trình sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công, ngoài các nội dung quy định tại điểm a, điểm b, điểm c và điểm d khoản 2 Điều 45 Nghị định 175/2024/NĐ-CP, hồ sơ trình thẩm định phải có dự toán xây dựng; các thông tin, số liệu có liên quan về giá, định mức, báo giá, kết quả thẩm định giá (nếu có) để xác định dự toán xây dựng;

    - Đối với công trình có vi phạm hành chính về xây dựng đã bị xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả có yêu cầu thực hiện thẩm định, thẩm định điều chỉnh, cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng, hồ sơ trình thẩm định còn phải có các nội dung: Báo cáo của chủ đầu tư về quá trình thực hiện dự án, tình hình thực tế thi công các công trình xây dựng của dự án đến thời điểm trình thẩm định; biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cấp có thẩm quyền; Báo cáo kiểm định của tổ chức kiểm định xây dựng đánh giá về khả năng chịu lực của phần công trình đã thi công xây dựng;

    - Đối với công trình sửa chữa cải tạo, hồ sơ trình thẩm định còn phải có các nội dung: Hồ sơ khảo sát hiện trạng, Báo cáo kiểm định của tổ chức kiểm định xây dựng đánh giá về khả năng chịu lực của công trình.

    24
    Quản lý: Công ty TNHH THƯ VIỆN NHÀ ĐẤT Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số ..., do ... cấp ngày ... (dự kiến) Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ