Thứ 4, Ngày 30/10/2024

Nhà tang lễ Quốc gia ở đâu? Tổ chức lễ tang của cán bộ công chức viên chức như thế nào? Nguyên tắc tổ chức ra sao?

Nhà tang lễ Quốc gia ở đâu? Lễ tang của cán bộ công chức viên chức được tổ chức như thế nào? Nguyên tắc tổ chức lễ tang cho cán bộ công chức viên chức ra sao?

Nội dung chính

    Nhà tang lễ Quốc gia ở đâu?

    Căn cứ Điều 1 Quyết định 1824/QĐ-TTg năm 2015 quy định như sau:

    Điều 1. Công nhận Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng (Số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) là Nhà tang lễ Quốc gia phía Nam để tổ chức Lễ Quốc tang; Lễ tang cấp Nhà nước; Lễ tang Cấp cao. Ngoài thời gian tổ chức lễ tang theo quy định, được sử dụng để tổ chức lễ tang đối với cán bộ cao cấp và quân nhân hy sinh, từ trần tại Bệnh viện Quân y 175.

    Căn cứ Điều 11 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng quy định như sau:

    Nơi tổ chức Lễ Quốc tang và nơi an táng
    1. Lễ Quốc tang tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội (nếu tổ chức ở Hà Nội); Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175 hoặc Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, thành phố Hồ Chí Minh (nếu tổ chức ở thành phố Hồ Chí Minh).
    2. An táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội; Nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh hoặc hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương hay nghĩa trang địa phương khác theo nguyện vọng của gia đình.

    Căn cứ khoản 1 Điều 2 Quyết định 34/2002/QĐ-TTg quy định như sau:

    Điều 2.
    1. Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội do Bộ Quốc phòng quản lý;
    ...

    Như vậy, địa chỉ Nhà tang lễ Quốc gia hiện nay là Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

    Ngoài ra, nếu lễ tang được tổ chức tại phía nam thì thực hiện tại các nhà tang lễ sau:

    - Nhà tang lễ Bệnh viện Quân y 175/Bộ Quốc phòng (Số 5 Phạm Ngũ Lão, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh);

    - Nhà tang lễ số 25 Lê Quý Đôn, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Nhà tang lễ Quốc gia ở đâu? Tổ chức lễ tang của cán bộ công chức viên chức như thế nào? Nguyên tắc tổ chức ra sao?

    Nhà tang lễ Quốc gia ở đâu? Tổ chức lễ tang của cán bộ công chức viên chức như thế nào? Nguyên tắc tổ chức ra sao? (Hình từ Internet)

    Tổ chức lễ tang của cán bộ công chức viên chức như thế nào?

    (1) Lễ Quốc tang

    Căn cứ Điều 5 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về chức danh được tổ chức Lễ Quốc tang thì cán bộ đang giữ hoặc đã thôi giữ một trong các chức vụ sau đây sẽ được tổ chức Lễ Quốc tang khi từ trần như sau:

    - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

    - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

    Bộ Chính trị có thẩm quyền quyết định việc tổ chức Lễ Quốc tang đối với các cán bộ cấp cao khác, những người đã có quá trình đóng góp và cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đồng thời được công nhận là có uy tín lớn trong nước và quốc tế.

    (2) Lễ Tang cấp Nhà nước

    Căn cứ Điều 21 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về chức danh được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước thì cán bộ đang giữ hoặc thôi giữ một trong các chức vụ sau đây khi từ trần được tổ chức Lễ tang cấp Nhà nước như sau:

    - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng;

    - Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

    - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

    - Chánh án Toà án nhân dân tối cao;

    - Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

    - Đại tướng lực lượng vũ trang nhân dân;

    - Thượng tướng lực lượng vũ trang nhân dân là cán bộ hoạt động cách mạng trước Tháng 8 năm 1945.

    - Trường hợp người từ trần giữ một trong các chức vụ trên mà bị kỷ luật bằng hình thức cách chức, thì Lễ tang sẽ được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

    (3) Lễ tang cấp cao

    Căn cứ Điều 34 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì chức danh được tổ chức Lễ tang cấp cao như sau:

    - Cán bộ, công chức: Bao gồm những người đang đương chức hoặc đã thôi giữ chức thuộc diện quản lý của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngoại trừ các chức danh đã được tổ chức Lễ Quốc tang và Lễ tang cấp Nhà nước).

    + Cán bộ lão thành cách mạng: Những người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945.

    + Cán bộ hoạt động ở miền Nam: Những người hoạt động trong suốt thời kỳ chống Mỹ (1954 - 1975) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.

    + Nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu: Những người được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (giải thưởng cá nhân) và được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất trở lên.

    - Nhà hoạt động xã hội, văn hóa, khoa học tiêu biểu là Anh hùng: Bao gồm các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động đang công tác hoặc nghỉ hưu.

    - Trường hợp bị kỷ luật: Nếu người từ trần giữ một trong các chức danh quy định tại khoản 1 Điều 34 Nghị định 105/2012/NĐ-CP mà bị kỷ luật bằng hình thức giáng chức hoặc cách chức thì Lễ tang sẽ được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

    (4) Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức

    Căn cứ Điều 47 Nghị định 105/2012/NĐ-CP thì chức danh được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức như sau:

    - Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần sẽ được tổ chức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức (trừ các chức danh đã được tổ chức Lễ Quốc tang, Lễ tang cấp Nhà nước, và Lễ tang cấp cao).

    - Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc, Lễ tang sẽ không được tổ chức theo hình thức Lễ tang cán bộ, công chức, viên chức.

    Như vậy, hình thức lễ tang đối với cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc hoặc nghỉ hưu khi từ trần được thực hiện theo các quy định nêu trên.

    Nguyên tắc tổ chức lễ tang cho cán bộ công chức viên chức ra sao?

    Căn cứ Điều 2 Nghị định 105/2012/NĐ-CP về nguyên tắc tổ chức lễ tang quy định như sau:

    Nguyên tắc tổ chức lễ tang
    1. Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần, thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân, cơ quan, đơn vị đối với công lao, cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
    2. Việc tổ chức lễ tang đối với người từ trần phải trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước, của từng vùng; hạn chế, từng bước loại bỏ những tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương, lãng phí. Khuyến khích tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng, an táng tại quê hương.

    Như vậy, nguyên tắc tổ chức lễ tang bao gồm:

    - Thể hiện sự trân trọng: Lễ tang đối với người từ trần phải thể hiện sự tôn trọng của Đảng, Nhà nước, nhân dân, cũng như cơ quan, đơn vị đối với công lao và cống hiến của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình làm việc, hoạt động cách mạng và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

    - Tổ chức trang trọng và văn minh: Lễ tang cần được tổ chức một cách trang trọng, văn minh, kế thừa nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc. Đồng thời, phải đảm bảo tính tiết kiệm phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và từng vùng, hạn chế và từng bước loại bỏ các tập quán lạc hậu, mê tín dị đoan, phô trương và lãng phí. Khuyến khích việc tổ chức an táng theo các hình thức hỏa táng, điện táng hoặc an táng tại quê hương.

    8