Mẫu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mới nhất năm 2024
Nội dung chính
Mẫu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mới nhất năm 2024
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về mặt bằng kinh doanh là gì. Tuy nhiên, ta có thể hiểu mặt bằng kinh doanh là không gian hoặc khu vực được thuê, mướn hoặc sở hữu để phục vụ cho mục đích kinh doanh, buôn bán. Mặt bằng có thể là một cửa hàng, văn phòng, nhà kho, gian hàng, hoặc các khu vực kinh doanh khác.
Vậy còn hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh là gì? Căn cứ theo quy định tại Điều 472 Bộ luật Dân sự 2015 về hợp đồng thuê tài sản như sau:
Hợp đồng thuê tài sản
Hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê.
Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, thông qua khái niệm “hợp đồng thuê tài sản”, ta có thể hiểu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh là một loại hợp đồng thuê tài sản trong đó bên cho thuê giao mặt bằng (tài sản) cho bên thuê để sử dụng vào mục đích kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Bên thuê có nghĩa vụ trả tiền thuê cho bên cho thuê theo các điều kiện đã thỏa thuận.
Theo đó, mẫu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mới nhất năm 2024 như sau:
Tải về mẫu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh được áp dụng mới nhất tại đây.
Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh có cần công chứng không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về khái niệm kinh doanh bất động sản như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Kinh doanh bất động sản là việc đầu tư vốn để thực hiện hoạt động xây dựng, mua, nhận chuyển nhượng để bán, chuyển nhượng; cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản; thực hiện dịch vụ môi giới bất động sản; dịch vụ sàn giao dịch bất động sản; dịch vụ tư vấn bất động sản hoặc quản lý bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
...
Như vậy, theo quy định nêu trên thì việc kinh doanh bất động sản bao gồm cả việc cho thuê bất động sản nhằm mục đích sinh lợi.
Do đó, việc cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng được xem là hoạt động kinh doanh bất động sản. Và hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh là hợp đồng kinh doanh bất động sản.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Văn bản hợp nhất 12/VBHN-VPQH 2020 về việc công chứng, chứng thực hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh như sau:
Hợp đồng kinh doanh bất động sản
…
2. Hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của Luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.
…
Như vậy, hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh không có bắt buộc phải công chứng, chứng thực, việc này do các bên thỏa thuận. Hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh chỉ cần lập thành văn bản.
Mẫu hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh mới nhất năm 2024 (Hình từ Internet)
Hợp đồng thuê mặt bằng để kinh doanh cần có những nội dung gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về các nội dung chính trong hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh bao gồm:
- Tên, địa chỉ của các bên;
- Các thông tin về bất động sản;
- Giá bán, cho thuê, cho thuê mua;
- Phương thức và thời hạn thanh toán;
- Bảo lãnh của ngân hàng bảo lãnh cho nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với trường hợp bán nhà ở hình thành trong tương lai;
- Thời hạn giao, nhận bất động sản và hồ sơ kèm theo;
- Bảo hành;
- Quyền, nghĩa vụ của các bên;
- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
- Phạt vi phạm hợp đồng;
- Các trường hợp chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng và biện pháp xử lý;
- Phương thức giải quyết tranh chấp;
- Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Nếu trong quá trình thuê mặt bằng kinh doanh mà làm hư hỏng nhà thì bên thuê có trách nhiệm gì?
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Kinh doanh bất động sản 2023 về nghĩa vụ của người thuê mặt bằng kinh doanh bao gồm:
Nghĩa vụ của bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng có sẵn
1. Bên mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thanh toán đủ tiền mua, thuê, thuê mua nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng theo thời hạn và phương thức thỏa thuận trong hợp đồng;
b) Nhận nhà ở, công trình xây dựng, phần diện tích sàn xây dựng trong công trình xây dựng và hồ sơ có liên quan theo thời hạn thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Thực hiện đúng, đầy đủ các nghĩa vụ trong hợp đồng; phối hợp với bên bán, cho thuê, cho thuê mua thực hiện các thủ tục mua bán, thuê, thuê mua trong thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng;
d) Bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra;
…
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 585 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.
Như vậy, khi thuê mặt bằng kinh doanh mà người thuê làm hư hỏng nhà thuê do lỗi của mình gây ra thì bên thuê có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại một cách toàn bộ và kịp thời. Mức bồi thường do các bên thỏa thuận.