Liệu lao động nam có thể trở thành nạn nhân của quấy rối tình dục tại nơi làm việc hay không?
Nội dung chính
Đối tượng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là lao động nam không?
Cho tôi hỏi: Lao động nam có thể là đối tượng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc không hay chỉ có lao động nữ mới là đối tượng của hành vi này? Cảm ơn.
Trả lời:
Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có quy định như sau:
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Nơi làm việc là bất kỳ nơi nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động.
Theo quy định này, lao động nam hoàn toàn có thể trở thành đối tượng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nếu lao động nam bị bất kỳ người nào thực hiện hành vi có tính chất tình dục mà không được lao động nam mong muốn hoặc chấp nhận.
Đối tượng bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể là lao động nam không? (Hình từ internet)
Công ty không sa thải nhân viên sử dụng ma túy tại nơi làm việc có đúng luật?
Cho hỏi, theo quy định pháp luật lao động thì trường hợp nhân viên sử dụng ma túy tại công ty nhưng công ty không sa thải liệu có trái luật?
Trả lời:
Điều 125 Bộ luật Lao động 2019 có quy định: Hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy tại nơi làm việc;
2. Người lao động có hành vi tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động hoặc quấy rối tình dục tại nơi làm việc được quy định trong nội quy lao động;
...
Theo đó người lao động có hành vi sử dụng ma túy tại nơi làm việc thì người sử dụng lao động được phép áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải. Quy định này cho phép người sử dụng lao động áp dụng chứ không mang tính chất bắt buộc phải áp dụng khi người lao động vi phạm.
Cho nên theo quan điểm của chúng tôi, nếu như nội quy công ty, hợp đồng lao động đã giao kết với nhân viên này không quy định về trường hợp này thì nhân viên này có bị công ty sa thải hay không là do công ty quyết định.
Người lao động làm việc vào giờ nghỉ trưa thì có được về sớm buổi chiều không?
Ca làm việc sáng từ 8h - 12h, chiều từ 13h - 17h. Buổi trưa nghỉ 1 tiếng mà em chủ động làm việc vào giờ nghỉ trưa thì buổi chiều có được về sớm không ạ?
Trả lời:
Điều 109 Bộ luật Lao động 2019 có quy định về nghỉ trong giờ làm việc như sau:
1. Người lao động làm việc theo thời giờ làm việc quy định tại Điều 105 của Bộ luật này từ 06 giờ trở lên trong một ngày thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục.
Trường hợp người lao động làm việc theo ca liên tục từ 06 giờ trở lên thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào giờ làm việc.
2. Ngoài thời gian nghỉ quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng lao động bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.
Theo quy định này và thông tin bạn cung cấp, công ty đã bố trí cho NLĐ được nghỉ trưa 1 tiếng thì đã đảm bảo quy định của pháp luật.
Có thể thấy, việc bạn làm việc vào giờ nghỉ trưa là do bạn tự nguyện, công ty không ép buộc. Ngoài ra, tại Bộ luật Lao động 2019 không có quy định nào về việc nếu NLĐ tự nguyện làm việc vào giờ nghỉ trưa thì sẽ được về sớm.
Do đó, trường hợp của bạn tự nguyện làm việc vào giờ nghỉ trưa thì không được về sớm vào buổi chiều.