Lễ hội Lim Bắc Ninh 2025 diễn ra khi nào? Địa điểm tổ chức lễ hội Lim Bắc Ninh?
Nội dung chính
Lễ hội Lim Bắc Ninh 2025 diễn ra khi nào? Địa điểm tổ chức lễ hội Lim Bắc Ninh?
Vùng đất Kinh Bắc từ lâu đã được biết đến như một cái nôi của những câu chuyện dân gian cùng nhiều truyền thống văn hóa đặc sắc. Đây cũng là nơi lưu giữ và phát huy những lễ hội dân gian độc đáo, tồn tại qua hàng trăm năm lịch sử.
Nhắc đến vùng đất này, không thể không nhắc tới Lễ hội Lim Bắc Ninh – một lễ hội tiêu biểu, mang đậm giá trị văn hóa nghệ thuật của những người con vùng quan họ.
Quan họ không chỉ là nét đẹp riêng của Bắc Ninh mà còn là di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, đại diện cho dòng dân ca trữ tình Bắc Bộ.
Theo tư liệu lịch sử, lễ hội này có nguồn gốc từ thế kỷ 18, gắn liền với công lao của ông Nguyễn Đình Diễn – một vị quan trấn thủ tại Thanh Hóa. Ông đã lập nhiều chiến công lớn và được triều đình ban thưởng nhiều bổng lộc.
Với lòng yêu quê hương, ông đã hiến tặng tài sản, ruộng vườn để góp phần trùng tu đình, chùa cũng như tổ chức các hoạt động lễ hội, giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Sau khi ông qua đời, người dân tôn vinh ông là hậu thần, hậu Phật của tổng. Theo thời gian, lễ tế hậu thần được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trùng với ngày hội chùa Lim.
Năm 2025, địa điểm tổ chức Lễ hội Lim Bắc Ninh 2025 sẽ diễn ra tại hai địa điểm chính là xã Nội Duệ và xã Liên Bão, trong đó khu vực trung tâm lễ hội nằm tại núi Lim, thuộc thị trấn Lim.
Vào sáng ngày 9/2, người dân địa phương sẽ làm lễ dâng hương tại chùa Hồng Ân và Đình làng Cả để nhận bằng công nhận di tích cấp tỉnh. Đến ngày 10/2, Ban tổ chức Hội Lim sẽ tổ chức lễ rước sắc từ đình làng Cả lên đồi Lim, đồng thời thực hiện nghi thức dâng hương tại lăng của tướng quân Nguyễn Đình Diễn.
Sau phần lễ là phần hội với các hoạt động diễn ra tại trung tâm đồi Lim và khu vực hồ điều hòa Vân Tương. Điểm nhấn chính là các lán trại quan họ, nơi các liền anh, liền chị biểu diễn dân ca quan họ. Đặc biệt, tại sân khấu chính, du khách có thể thưởng thức màn hát quan họ trên thuyền – một nét đặc sắc của hội Lim.
Ngoài ra, lễ hội còn tái hiện nhiều trò chơi dân gian như cờ người, tổ tôm điểm, bóng chuyền hơi, thư pháp, hội thơ, triển lãm bảo tồn văn hóa quan họ giúp du khách hiểu rõ hơn về giá trị của loại hình nghệ thuật này.
Điểm nhấn không thể bỏ lỡ của lễ hội năm nay là chương trình ẩm thực truyền thống và màn bắn pháo hoa tầm thấp diễn ra vào 21h ngày 9/2 (tức 12 tháng Giêng).
Sang ngày 10/2, tức chính hội, nghi thức rước sắc và đón sắc sẽ được thực hiện tại các đình làng như Đình Cả, Lộ Bao cùng các đình, đền, chùa khác thuộc xã Liên Bão và thị trấn Lim.
Lễ hội không chỉ là dịp để người dân tưởng nhớ công lao của tiền nhân mà còn là cơ hội để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng Kinh Bắc.
Lễ hội Lim Bắc Ninh 2025 diễn ra khi nào? Địa điểm tổ chức lễ hội Lim Bắc Ninh? (Ảnh từ Internet)
7 nguyên tắc tổ chức lễ hội là gì?
Căn cứ tại Điều 5 Nghị định 110/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc tổ chức lễ hội như sau:
- Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh công lao các bậc tiền nhân, nhân vật lịch sử, những người có nhiều đóng góp trong quá trình hình thành, phát triển đất nước; tuyên truyền giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của di tích, truyền thống tốt đẹp của lễ hội.
- Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả; phù hợp với quy mô, nội dung của lễ hội; tổ chức lễ hội truyền thống theo đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa; giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa.
- Nghi lễ của lễ hội phải trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam.
- Giáo dục, định hướng con người hình thành các hành vi, thái độ, nhận thức cao đẹp; loại bỏ xu hướng chạy theo lợi ích vật chất, lòng tham và các lợi ích cá nhân.
- Phải thực hiện các biện pháp bảo vệ di tích, danh lam thắng cảnh; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.
- Không lợi dụng việc tổ chức lễ hội nhằm mục đích trục lợi cá nhân, phục vụ lợi ích nhóm; không ép buộc tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp kinh phí tổ chức lễ hội.
- Hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các nguồn lực trong việc tổ chức lễ hội; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.