Trường Đại học Xây dựng có bao nhiêu phương thức xét tuyển 2025?
Nội dung chính
Trường Đại học Xây dựng có bao nhiêu phương thức xét tuyển 2025?
Năm 2025, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội dự kiến áp dụng 4 phương thức xét tuyển:
- Xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Áp dụng cho tất cả các ngành đào tạo. Đối với tổ hợp có môn Vẽ Mỹ thuật, trường chấp nhận kết quả thi do trường tổ chức hoặc từ các cơ sở khác (sau khi quy đổi điểm theo thang điểm của trường). Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS từ 5.5 trở lên có thể thay thế môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển, ngoại trừ các chứng chỉ dạng "Home Edition".
- Xét tuyển dựa trên học bạ cấp THPT: Áp dụng cho các ngành không yêu cầu môn Vẽ Mỹ thuật. Trường xét tổng điểm trung bình 3 năm THPT của các môn trong tổ hợp xét tuyển. Tương tự phương thức 1, các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế đạt chuẩn có thể thay thế môn Tiếng Anh trong tổ hợp xét tuyển.
- Xét tuyển sử dụng kết quả từ các kỳ thi do các cơ sở giáo dục đại học khác tổ chức: Bao gồm Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội, Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Sư phạm Hà Nội, và Kỳ thi Đánh giá đầu vào đại học trên máy tính (V-SAT).
- Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Thực hiện theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời áp dụng thêm các tiêu chí theo đề án riêng của trường. Thí sinh có thành tích học tập xuất sắc như đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, có chứng chỉ SAT hoặc ACT đạt chuẩn, hoặc tốt nghiệp chương trình dự bị đại học sẽ được ưu tiên xét tuyển. Đối với các ngành có môn Vẽ Mỹ thuật, thí sinh cần đạt tối thiểu 6,0 điểm ở bài thi của trường.
Trường Đại học Xây dựng có bao nhiêu phương thức xét tuyển 2025? (Hình từ Internet)
Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được quy định như thế nào ?
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Luật Giáo dục đại học 2012 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018, theo đó quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học được quy định như sau:
- Việc lập quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn lực; xây dựng hài hòa hệ thống giáo dục đại học công lập và tư thục; phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; tạo cơ chế hình thành đại học, các trung tâm đại học lớn của đất nước, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của Luật quy hoạch và các nội dung sau đây:
+ Xác định mục tiêu, phương hướng phát triển của hệ thống giáo dục đại học;
+ Ban hành chuẩn cơ sở giáo dục đại học để thực hiện quy hoạch;
+ Sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực để phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng đào tạo, phù hợp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, phát triển các vùng kinh tế trọng điểm và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
- Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Điều kiện để được cho phép hoạt động đào tạo là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 Luật Giáo dục đại học 2012:
(1) Cơ sở giáo dục đại học được cho phép hoạt động đào tạo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có quyết định thành lập hoặc quyết định cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học;
- Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, ký túc xá sinh viên, cơ sở phục vụ giáo dục thể chất đáp ứng yêu cầu hoạt động đào tạo; địa điểm xây dựng bảo đảm môi trường sư phạm, an toàn cho người học, người dạy và người lao động theo nội dung dự án đã cam kết;
- Có chương trình đào tạo và giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập theo quy định;
- Có đội ngũ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý đạt tiêu chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu;
- Có đủ nguồn lực tài chính theo quy định để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;
- Có quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
(2) Sau thời hạn 03 năm, kể từ ngày quyết định cho phép hoạt động đào tạo có hiệu lực, nếu cơ sở giáo dục đại học không triển khai hoạt động đào tạo thì quyết định cho phép hoạt động đào tạo hết hiệu lực.