13:55 - 01/11/2024

Làng nghề truyền thống ở nông thôn được bảo tồn và phát huy thế nào trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?

Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi BNNPTNT? Đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị thế nào? Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ra sao?

Nội dung chính

    Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi BNNPTNT?

    Căn cứ Khoản 2 Điều 12 Thông tư 05/2022/TT-BNNPTNT quy định bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống ở nông thôn như sau:

    Thực hiện theo các nội dung tại Quyết định số 801/QĐ-TTg ngày 07/7/2022 phê duyệt chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề nông thôn giai đoạn 2021-2030 và các văn bản thi hành, trong đó tập trung một số nội dung sau:

    - Rà soát, công nhận các làng nghề truyền thống: Thực hiện điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các làng nghề truyền thống chưa đáp ứng được tiêu chí công nhận để có kế hoạch thực hiện hỗ trợ bảo tồn và phát triển phù hợp. Đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận các làng nghề truyền thống đã đáp ứng được tiêu chí theo quy định để thực hiện hỗ trợ theo chính sách;

    - Khôi phục, bảo tồn các làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền;

    Đối với những làng nghề đang trong quá trình mai một và có khả năng mất đi: Hỗ trợ thực hiện công tác bảo tồn; tiến hành điều tra, xác định và xây dựng dự án để duy trì các hộ hoặc nhóm hộ nghề, nghệ nhân hoạt động “trình diễn” nhằm lưu giữ, truyền nghề và phục yêu cầu du lịch, văn hóa.

    Đối với những làng nghề có khó khăn: Hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ tay nghề cao và các cơ sở sản xuất duy trì sản xuất các sản phẩm độc đáo phục vụ sinh hoạt, các lễ hội của cộng đồng và hướng tới sản xuất một số loại sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế cao đáp ứng thị hiếu của người tiêu dung trong nước và xuất khẩu.

    Thực hiện sưu tầm, thu thập, bảo tồn bí quyết, công nghệ cổ truyền tinh xảo, độc đáo, các mẫu hoa văn truyền thống trên các sản phẩm và có hướng đổi mới, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp với sản xuất tại làng nghề.

    Tổ chức đào tạo, truyền nghề, nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, cải tiến thiết kế mẫu mã, nâng cao chất lượng, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho các làng nghề được phục hồi và phát triển. Thành lập và duy trì hoạt động các tổ chức nghề nghiệp của làng nghề.

    - Hỗ trợ để phát triển các làng nghề truyền thống đã được công nhận đang hoạt động tốt có khả năng lan tỏa sang các khu vực khác.

    Phát triển mạnh các làng nghề truyền thống sản xuất những sản phẩm có giá trị kinh tế, hàm lượng văn hóa cao và có tiềm năng xuất lớn như chế biến nông lâm thủy sản, mây tre đan, gốm sứ, thêu dệt, chạm khảm, sơn mài, kim hoàn... Khuyến khích sự lan tỏa, cấy nghề truyền thống ra vùng xung quanh và đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo phát triển sản phẩm mới.

    Đầu tư, hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào một số công đoạn sản xuất kết hợp với sử dụng kỹ thuật, công nghệ truyền thống mà không ảnh hưởng đến giá trị nghệ thuật, thẩm mỹ và giá trị truyền thống của sản phẩm. Nâng cấp, hoàn thiện các biện pháp và công trình xử lý môi trường.

    Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở sản xuất lớn có năng lực di chuyển vào khu, cụm công nghiệp để đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, mở rộng quy mô sản xuất phát triển sản phẩm; các cơ sở sản xuất nhỏ liên kết với các cơ sở lớn tiêu thụ sản phẩm ra thị trường. Thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả các tổ chức nghề nghiệp của làng nghề.

    Làng nghề truyền thống ở nông thôn được bảo tồn và phát huy thế nào trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025?

    Làng nghề truyền thống ở nông thôn được bảo tồn và phát huy thế nào trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025? (Hình từ Internet)

    Đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi BNNPTNT?

    Theo Khoản 3 Điều 12 Thông tư 05/2022/TT-BNNPTNT quy định đẩy mạnh sản xuất, chế biến muối theo chuỗi giá trị như sau:

    Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 40/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ về quản lý sản xuất, kinh doanh muối; Quyết định số 1325/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021 - 2030, trong đó tập trung triển khai các nội dung sau:

    - Triển khai xây dựng các mô hình, dự án khôi phục, bảo tồn và phát triển làng nghề sản xuất muối truyền thống, đa dạng hóa các sản phẩm từ muối gắn với du lịch nông thôn tại các địa phương. Các nội dung cần thực hiện nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề muối, cụ thể:

    Hỗ trợ bảo tồn và phát triển phương pháp sản xuất muối truyền thống (phơi cát, phơi nước phân tán) nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất muối tại các cánh đồng muối truyền thống, tăng thu nhập cho diêm dân;

    Hỗ trợ hạ tầng sản xuất, đẩy mạnh chế biến và thương mại, đa dạng các sản phẩm từ muối kết hợp phục vụ tốt hoạt động du lịch thăm quan, trải nghiệm tại các khu vực, cánh đồng muối;

    Xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh muối; các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ gắn với du lịch nông thôn tại các địa phương;

    Tập huấn, đào tạo lao động trong vùng về phương pháp sản xuất, chế biến, bảo quản muối.

    - Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất muối theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ; mô hình thí điểm sản xuất muối kết hợp du lịch nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng; mô hình áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất muối sạch; mô hình sản xuất muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng muối (NaCl) thấp, có lợi cho sức khỏe;

    - Đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất chế biến muối: Hỗ trợ đầu tư hệ thống thiết bị chế biến, phân tích chất lượng muối, mẫu mã, bao bì cho các cơ sở sản xuất chế biến muối vừa và nhỏ đáp ứng nhu cầu thị trường;

    - Hỗ trợ cải tạo, nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối: Khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư, cải tạo nâng cấp hệ thống kho bảo quản muối;

    - Xây dựng và phát triển các sản phẩm OCOP đối với muối và các sản phẩm từ muối đặc trưng của các địa phương; sản phẩm muối chứa nhiều khoáng chất, vi chất dinh dưỡng tự nhiên với hàm lượng muối (NaCl) thấp, có lợi cho sức khỏe, thân thiện với môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường, phục vụ du lịch nông thôn, dịch vụ chăm sóc sức khỏe;

    - Hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử, mở mã QR và sử dụng mã QR giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu cho sản phẩm muối ở các địa phương, xúc tiến thương mại các sản phẩm từ muối.

    Triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 thuộc phạm vi BNNPTNT?

    Tại Khoản 4 Điều 12 Thông tư 05/2022/TT-BNNPTNT quy định triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) như sau:

    Thực hiện theo các nội dung được quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, các quy định của pháp luật hiện hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Xây dựng, thành lập Trung tâm OCOP Quốc gia để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, kết nối cung cầu, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP trong nước và quốc tế. Trong đó, tập trung thực hiện các nội dung sau:

    - Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng:

    Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

    Tăng cường liên kết bền vững, khả năng truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP với vùng nguyên liệu.

    - Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường:

    Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương, bao gồm: Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương, đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc, trong đó ưu tiên: (i) Sản phẩm tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo, (ii) Sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa, (iii) Sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống; xây dựng bộ công cụ hướng dẫn chuẩn hoá quy trình, tiêu chuẩn sản phẩm tham gia Chương trình theo Bộ tiêu chí OCOP.

    Phát triển sản phẩm OCOP theo 6 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu , văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng: Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP ; sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị; xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc.

    Nâng cấp và hoàn thiện sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng (đạt 3 sao trở lên) gắn với nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Xây dựng tiêu chuẩn và thử nghiệm, phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với thị trường xuất khẩu, dựa trên lợi thế đặc hữu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của từng khu vực.

    - Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động cho các chủ thể OCOP:

    Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho chủ thể OCOP về năng lực cộng đồng và tinh thần hợp tác; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, kỹ năng quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị, tăng cường sử dụng và khai thác thương hiệu cộng đồng các sản phẩm từ khu vực nông thôn.

    Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với chuỗi liên kết giá trị sản phẩm OCOP.

    - Về quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu:

    Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, triển lãm, sự kiện tôn vinh, quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP đặc sắc thường niên gắn với văn hóa cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương và quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm OCOP gắn với thị trường du lịch trọng điểm.

    Xây dựng và quản lý đồng bộ, hiệu quả thương hiệu OCOP Việt Nam; tăng cường bảo hộ sở hữu trí tuệ, nâng cao hình ảnh, khả năng nhận diện và giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường.

    Thử nghiệm và nhân rộng mô hình điểm bán hàng OCOP; các tuyến phố OCOP; hệ thống phân phối sản phẩm OCOP trên các phương tiện giao thông; các mô hình xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số (Làng thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP, hội chợ và triển lãm thực tế ảo OCOP); các Trung tâm giới thiệu OCOP đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, gắn với khai thác lợi thế về du lịch nông thôn.

    Xây dựng hệ thống phân phối phù hợp, từng bước thiết lập hệ thống giới thiệu và bán sản phẩm OCOP riêng và đặc trưng gắn với các sản phẩm quà tặng, quà biếu, sản phẩm đặc sản địa phương.

    Xây dựng hệ thống xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP ra thị trường quốc tế; nâng cao năng lực hệ thống logistic trong thương mại sản phẩm OCOP; xây dựng và triển khai chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá và nhận diện thương hiệu đối với các sản phẩm OCOP quốc gia.

    Xây dựng Trung tâm OCOP Quốc gia là không gian quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm, kết nối cung - cầu và thị trường sản phẩm OCOP quốc gia.

    Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong quảng bá, giới thiệu và xúc tiến thương mại nhằm phát triển sản phẩm OCOP ra thị trường nước ngoài.

    - Xây dựng, hoàn thiện hệ thống quản lý, giám sát sản phẩm OCOP:

    Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP thường niên, tăng cường áp dụng công nghệ số trong tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP.

    Xây dựng và triển khai hoạt động quản lý và giám sát sản phẩm OCOP nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và thúc đẩy kết nối cung - cầu sản phẩm OCOP.

    Xây dựng quy chế và đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, giám sát việc áp dụng chính sách, quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm ở các địa phương, duy trì điều kiện sản xuất của các chủ thể và chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được đánh giá, công nhận.

    Nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật về quy trình giám sát và đánh giá sản phẩm OCOP.

    Thử nghiệm và xây dựng lộ trình phù hợp áp dụng cơ chế xã hội hóa trong hoạt động giám sát, đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP.

    - Nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình:

    Tổ chức quản lý, điều hành hoạt động các Trung tâm thiết kế sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP vùng, cấp tỉnh với Chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP của các vùng trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể và kết nối du lịch.

    Xây dựng tiêu chí, nâng cao năng lực và tổ chức quản lý, giám sát mạng lưới tư vấn nhằm hình thành mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai Chương trình trên cả nước.

    Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo nghề gắn với Chương trình OCOP; các trung tâm thiết kế, sáng tạo và phát triển sản phẩm OCOP; điều chỉnh, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung chương trình, nội dung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề…) gắn với sản phẩm OCOP; tăng cường năng lực cho cán bộ nông nghiệp ở các địa phương (khuyến nông, khuyến công).

    Thúc đẩy phong trào phụ nữ, thanh niên khởi nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP.

    - Tăng cường chuyển đổi số:

    Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về Chương trình OCOP.

    Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

    Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân” nhằm tối ưu hóa ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, thương mại sản phẩm OCOP.

    23