Kinh doanh sleepbox có vi phạm pháp luật không? Để có thể kinh doanh mô hình sleepbox thì cần đáp ứng các điều kiện gì?

Kinh doanh sleepbox có vi phạm pháp luật không? Nếu không đáp ứng đủ điều kiện khi kinh doanh mô hình sleepbox sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nội dung chính

    Kinh doanh sleepbox có vi phạm pháp luật không?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020 quy định về các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh như sau:

    Ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh
    1. Cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
    a) Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
    b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
    c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
    d) Kinh doanh mại dâm;
    đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
    e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
    g) Kinh doanh pháo nổ;
    h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

    Như vậy, việc kinh doanh sleepbox không nằm trong danh sách các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh được quy định trong Luật Đầu tư 2020, vì thế kinh doanh sleepbox không vi phạm pháp luật. 

    Tuy nhiên, để có thể bắt đầu hoạt động kinh doanh sleepbox, bạn cần phải đáp ứng một số điều kiện cần thiết và phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020. Ngoài ra, việc kinh doanh sleepbox sẽ phải chịu sự quản lý và kiểm soát từ cơ quan chức năng nhằm luôn đảm bảo tuân thủ các quy định về sự an toàn của khách hàng. 

    Kinh doanh sleepbox có vi phạm pháp luật không? Để có thể kinh doanh mô hình sleepbox thì cần đáp ứng các điều kiện gì? (Hình từ Internet)

    Để có thể kinh doanh mô hình sleepbox thì cần đáp ứng các điều kiện cần thiết gì?

    Để có thể tiến hành kinh doanh mô hình sleepbox, bạn cần xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Luật Doanh nghiệp 2020 gồm các điều kiện cụ thể như sau:

    - Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh

    - Tên của doanh nghiệp được đặt theo đúng quy định

    - Có hồ sơ đăng ký doanh nghiệp hợp lệ

    - Nộp đủ lệ phí đăng ký doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

    Thêm vào đó, căn cứ theo Điều 7 Nghị định 136/2020/NĐ-CP quy định về điều kiện an toàn về phòng cháy chữa cháy đối với việc kinh doanh mô hình sleepbox như sau:

    Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy đối với hộ gia đình
    1. Hộ gia đình phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Luật Phòng cháy và chữa cháy.
    2. Hộ gia đình sinh sống kết hợp với sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:
    a) Điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều này;
    b) Có nội quy về phòng cháy và chữa cháy, về sử dụng điện, sử dụng lửa và các chất dễ cháy, nổ phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;
    c) Có giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, ngăn khói giữa khu vực sinh sống với khu vực sản xuất, kinh doanh.
    3. Điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được chủ hộ gia đình tổ chức thực hiện và duy trì trong suốt quá trình hoạt động.
    4. Hộ gia đình quy định tại khoản 2 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp phải bảo đảm điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

    Như vậy, đối với hộ gia đình kết hợp kinh doanh mô hình sleepbox cần đảm bảo nội quy phòng cháy chữa cháy, giải pháp thoát nạn, ngăn cháy lan, và ngăn khói giữa khu vực sinh sống và khu vực sản xuất. Các điều kiện cần thiết này phải được thực hiện và duy trì liên tục. Hộ gia đình đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện an toàn tương ứng với loại hình cơ sở theo quy định của Nghị định liên quan.

    Nếu không đáp ứng đủ điều kiện khi kinh doanh mô hình sleepbox sẽ bị xử phạt hành chính như thế nào? 

    Căn cứ theo khoản 1, 2 Điều 62 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về mức xử phạt hành chính khi không đáp ứng đủ điều kiện hoặc vi phạm điều kiện về giấy phép kinh doanh của hộ gia đình như sau:

    Vi phạm về đăng ký hộ kinh doanh
    1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Cá nhân, các thành viên hộ gia đình đăng ký kinh doanh nhiều hơn một hộ kinh doanh;
    b) Không được quyền thành lập hộ kinh doanh nhưng vẫn thành lập hộ kinh doanh;
    c) Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định;
    d) Không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.
    2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Kê khai không trung thực, không chính xác hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hoặc hồ sơ đăng ký thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh.
    Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế;
    b) Tiếp tục kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.

    Như vậy, chủ hộ kinh doanh sẽ bị phạt từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng cho các hành vi: đăng ký nhiều hơn một hộ kinh doanh, thành lập hộ kinh doanh khi không đủ điều kiện, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh khi bắt buộc, không đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký trong vòng 10 ngày sau khi có thay đổi.

    Ngoài ra, đối với các hành vi kê khai không trung thực hoặc không chính xác trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh, tiếp tục hoạt động kinh doanh ngành nghề có điều kiện khi có yêu cầu tạm ngừng từ cơ quan chức năng sẽ bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng.

    Lưu ý: Mức phạt tiền trên áp dụng đối với cá nhân, trường hợp tổ chức vi phạm thì căn cứ khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.

    11