Kinh doanh dịch vụ homestay trên một phần đất nông nghiệp được không?

Kinh doanh dịch vụ homestay trên một phần đất nông nghiệp được không? Điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay được pháp luật quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Kinh doanh dịch vụ homestay trên một phần đất nông nghiệp được không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 9 Luật Đất đai 2024 về phân loại đất như sau:

    Phân loại đất
    1. Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại bao gồm nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp, nhóm đất chưa sử dụng.
    2. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất trồng cây hằng năm, gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hằng năm khác;
    b) Đất trồng cây lâu năm;
    c) Đất lâm nghiệp, gồm đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất;
    d) Đất nuôi trồng thủy sản;
    đ) Đất chăn nuôi tập trung;
    e) Đất làm muối;
    g) Đất nông nghiệp khác.
    3. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
    a) Đất ở, gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
    b) Đất xây dựng trụ sở cơ quan;
    c) Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh (sau đây gọi là đất quốc phòng, an ninh);
    d) Đất xây dựng công trình sự nghiệp, gồm: đất xây dựng cơ sở văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục, thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn, ngoại giao và công trình sự nghiệp khác hoặc đất xây dựng trụ sở của đơn vị sự nghiệp công lập khác;
    đ) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp, gồm: đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản;
    e) Đất sử dụng vào mục đích công cộng, gồm: đất công trình giao thông; đất công trình thủy lợi; đất công trình cấp nước, thoát nước; đất công trình phòng, chống thiên tai; đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di sản thiên nhiên; đất công trình xử lý chất thải; đất công trình năng lượng, chiếu sáng công cộng; đất công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin; đất chợ dân sinh, chợ đầu mối; đất khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng;
    g) Đất sử dụng cho hoạt động tôn giáo (sau đây gọi là đất tôn giáo); đất sử dụng cho hoạt động tín ngưỡng (sau đây gọi là đất tín ngưỡng);
    h) Đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; đất cơ sở lưu giữ tro cốt;
    i) Đất có mặt nước chuyên dùng;
    k) Đất phi nông nghiệp khác.
    4. Nhóm đất chưa sử dụng là đất chưa xác định mục đích sử dụng và chưa giao, chưa cho thuê.

    Theo đó, đất được chia thành 3 loại khác nhau gồm: đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Và đất nông nghiệp là đất dùng để trồng cây, làm muối, chăn nuôi tập trung và không hề đề cập đến kinh doanh dịch vụ.

    Như vậy, đất nông nghiệp không phải là đất để xây dựng kinh doanh dịch vụ homestay.

    Tuy nhiên, đất nông nghiệp có thể được sử dụng đa mục đích được quy định tại khoản 1 Điều 218 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    1. Các loại đất sau đây được sử dụng kết hợp đa mục đích:
    a) Đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu;
    b) Đất sử dụng vào mục đích công cộng được kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    c) Đất xây dựng công trình sự nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;
    d) Đất ở được sử dụng kết hợp với mục đích nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, công trình sự nghiệp có mục đích kinh doanh;
    đ) Đất có mặt nước được sử dụng kết hợp đa mục đích theo quy định tại các điều 188, 189 và 215 của Luật này;
    e) Đất tôn giáo, đất tín ngưỡng được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ;

    g) Đất quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 9 của Luật này được sử dụng kết hợp mục đích nông nghiệp, xây dựng công trình hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ, thông tin, quảng cáo ngoài trời, điện mặt trời.

    ...

    Ngoài ra, cần phải đáp ứng yêu cầu về phạm vi và điều kiện khi sử dụng đất đa mục đích được quy định tại Điều 99 Nghị định 102/2024/NĐ-CP:

    Sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    2. Phạm vi, điều kiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích
    a) Sử dụng đất vào mục đích kết hợp không thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại Điều 121 Luật Đất đai;
    b) Diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích;
    c) Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Diện tích đất xây dựng công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp trên đất trồng lúa, đất lâm nghiệp thực hiện theo quy định của Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa và pháp luật về lâm nghiệp. Đất có mặt nước không được san lấp làm thay đổi dòng chảy, diện tích bề mặt nước, chiều sâu tầng nước;
    d) Việc xây dựng, cải tạo công trình để sử dụng vào mục đích kết hợp phải phù hợp với quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;

    đ) Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.

    ...

    Như vậy, đất nông nghiệp có thể được sử dụng đa mục đích để kinh doanh dịch vụ homestay. Tuy nhiên, phải lập phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo khoản 4 Điều 218 Luật Đất đai 2024 

    Đồng thời, phần đất xây dựng để kinh doanh dịch vụ homestay không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính; và công trình xây dựng để kinh doanh dịch vụ homestay phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng phá dỡ. Thời gian sử dụng đất vào mục đích kết hợp không vượt quá thời hạn sử dụng đất còn lại của mục đích chính.

    Ngoài ra còn phải tuân theo các yêu cầu tại khoản 2 Điều 218 Luật Đất đai 2024

    Kinh doanh dịch vụ homestay trên một phần đất nông nghiệp được không?

    Kinh doanh dịch vụ homestay trên một phần đất nông nghiệp được không? (Hình từ Internet)

    Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ homestay có các nghĩa vụ gì?

    Theo quy định tại Điều 21 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về các loại hình cơ sở lưu trú du lịch như sau:

    Các loại hình cơ sở lưu trú du lịch
    1. Khách sạn: Cơ sở lưu trú du lịch bảo đảm chất lượng về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch; bao gồm: Khách sạn nghỉ dưỡng, khách sạn bên đường, khách sạn nổi và khách sạn thành phố.
    a) Khách sạn nghỉ dưỡng: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng thành khối hoặc thành quần thể các biệt thự, nhà thấp tầng, căn hộ, ở khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp;
    b) Khách sạn bên đường: Cơ sở lưu trú du lịch gần đường giao thông, có bãi đỗ xe nhằm phục vụ nhu cầu lưu trú của khách sử dụng phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô) đi du lịch hoặc nghỉ ngơi giữa những chặng đường dài;
    c) Khách sạn nổi: Cơ sở lưu trú du lịch neo đậu trên mặt nước và có thể di chuyển khi cần thiết;
    d) Khách sạn thành phố: Cơ sở lưu trú du lịch được xây dựng tại các đô thị phục vụ khách du lịch.
    2. Biệt thự du lịch: Biệt thự có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê và có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
    3. Căn hộ du lịch: Căn hộ có trang thiết bị, dịch vụ cần thiết phục vụ khách du lịch. Khách có thể tự phục vụ trong thời gian lưu trú.
    4. Tàu thủy lưu trú du lịch: Phương tiện vận tải thủy có phòng ngủ phục vụ nhu cầu lưu trú của khách du lịch.
    5. Nhà nghỉ du lịch: Cơ sở lưu trú có trang thiết bị, tiện nghi cần thiết phục vụ khách du lịch.
    6. Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê: Nhà ở có khu vực được bố trí trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú; khách cùng sinh hoạt với gia đình chủ nhà.
    7. Bãi cắm trại du lịch: Khu vực được quy hoạch ở nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp, có kết cấu hạ tầng, có cơ sở vật chất và dịch vụ cần thiết phục vụ khách cắm trại.

    Hiện nay, pháp luật chưa có khái niệm về homestay, tuy nhiên, có thể hiểu homestay là một loại hình căn hộ có đầy đủ có trang thiết bị. Trong quá trình lưu trú, khách hàng sẽ tự phục vụ bản thân.

    Qua đó, homestay là tên gọi khác cho căn hộ du lịch. Và căn hộ du lịch là một trong những loại hình cơ sử lưu trú du lịch.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Du lịch 2017 về các nghĩa vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ homestay cần thực hiện như sau:

    Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch
    2. Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch có nghĩa vụ sau đây:
    a) Bảo đảm duy trì điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này;
    b) Niêm yết công khai giá bán hàng hóa và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch;
    c) Bồi thường thiệt hại cho khách du lịch theo quy định của pháp luật về dân sự;
    d) Thông báo bằng văn bản cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh nơi có cơ sở lưu trú du lịch khi có sự thay đổi về tên cơ sở, quy mô, địa chỉ, người đại diện theo pháp luật;
    đ) Chỉ được sử dụng từ “sao” hoặc hình ảnh ngôi sao để quảng cáo về hạng cơ sở lưu trú du lịch sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận hạng cơ sở lưu trú du lịch;

    e) Thực hiện chế độ báo cáo, thống kê, kế toán theo quy định của pháp luật.

    ...

    Theo đó, trong quá trình kinh doanh dịch vụ homestay, tổ chức, cá nhân cần thực hiện các nghĩa vụ được quy định như trên.

    Điều kiện kinh doanh dịch vụ homestay được pháp luật quy định như thế nào?

    Để kinh doanh dịch vụ homestay, tổ chức, cá nhân cần phải đáp ứng các điều kiện được quy định tại Điều 49 Luật Du lịch 2017 bao gồm:

    - Có đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật;

    - Đáp ứng điều kiện về an ninh, trật tự, an toàn về phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật;

    - Đáp ứng điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách du lịch được quy định tại Điều 24 Nghị định 168/2017/NĐ-CP có một số điều khoản bị bãi bỏ bởi khoản 1 Điều 5 Nghị định 142/2018/NĐ-CP như sau:

    + Có giường, đệm, chăn, gối, khăn mặt, khăn tắm; thay bọc đệm, bọc chăn, bọc gối, khăn mặt, khăn tắm khi có khách mới.

    + Có khu vực tiếp khách, phòng ngủ, bếp và phòng tắm, phòng vệ sinh.

    + Người quản lý căn hộ được tập huấn về nghiệp vụ du lịch.

    Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
    253
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ