Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự với quốc gia chưa có điều ước quốc tế có được phép thực hiện không?

Nước chưa có điều ước quốc tế có thể Hợp tác quốc tế với Việt Nam trong thi hành án hình sự hay không? Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự?

Nội dung chính

    Nước chưa có điều ước quốc tế có thể Hợp tác quốc tế với Việt Nam trong thi hành án hình sự hay không? 

    Tại Điều 9 Luật Thi hành hình sự 2019 quy định về hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự, theo đó:

    Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự
    Hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự giữa cơ quan có thẩm quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với cơ quan có thẩm quyền tương ứng của nước ngoài được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
    Trường hợp giữa Việt Nam và nước có liên quan chưa có điều ước quốc tế thì việc hợp tác quốc tế trong thi hành án hình sự được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với Hiến pháp của Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và tập quán quốc tế.

    Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì việc hợp tác giữa Việt Nam và nước có liên quan chưa có điều ước quốc tế phải được thực hiện theo nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái Hiến pháp của Việt Nam và phù hợp với pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế.

    Nước chưa có điều ước quốc tế có thể Hợp tác quốc tế với Việt Nam trong thi hành án hình sự hay không? (Ảnh từ Internet)

    Các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự?

    Căn cứ Điều 10 Luật Thi hành hình sự 2019 về các hành vi bị nghiêm cấm trong thi hành án hình sự như sau:

    - Phá hủy cơ sở quản lý, giam giữ; hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của cơ sở quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khỏi nơi quản lý, giam giữ; tổ chức trốn hoặc trốn khi đang bị áp giải, dẫn giải; đánh tháo phạm nhân, người chấp hành biện pháp tư pháp, người bị áp giải, dẫn giải.

    - Không chấp hành quyết định thi hành án hình sự; cản trở hoặc chống lại việc thực hiện nội quy, quy chế về thi hành án hình sự hoặc quyết định, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

    - Tổ chức, kích động, xúi giục, lôi kéo, dụ dỗ, giúp sức, cưỡng bức người khác vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự; trả thù, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người có trách nhiệm thi hành án hình sự.

    - Không ra quyết định thi hành án hình sự; không thi hành quyết định trả tự do theo quy định của pháp luật và quyết định khác của cơ quan, người có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

    - Đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, nhũng nhiễu trong thi hành án hình sự.

    - Tha trái pháp luật người đang bị giam, người bị áp giải thi hành án; thiếu trách nhiệm trong việc quản lý, canh gác, áp giải thi hành án để người chấp hành án phạt tù, án tử hình hoặc án phạt trục xuất trốn.

    - Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để đề nghị miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách cho người không đủ điều kiện; không đề nghị cho người đủ điều kiện được miễn, giảm, hoãn, tạm đình chỉ, tha tù trước thời hạn có điều kiện, rút ngắn thời gian thử thách; đề nghị hoặc không đề nghị chấm dứt trước thời hạn việc chấp hành biện pháp tư pháp, hoãn, đình chỉ thi hành biện pháp tư pháp; cản trở người, pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các quyền theo quy định của Luật này.

    - Tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục người chấp hành án, biện pháp tư pháp.

    - Kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người, pháp nhân thương mại chấp hành án.

    - Cấp hoặc từ chối cấp trái quy định của pháp luật quyết định, giấy chứng nhận, xác nhận hoặc giấy tờ khác về thi hành án hình sự.

    - Làm sai lệch hồ sơ, sổ sách về thi hành án hình sự.

     Phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 8 Luật Thi hành hình sự 2019 thì phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự được quy định như sau:

    - Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự.

    - Ủy ban nhân dân các cấp, cơ quan, tổ chức khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật về thi hành án hình sự.

    7