Hồ sơ đề nghị xác nhận bị thương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu gồm những thành phần nào?
Nội dung chính
Thành phần hồ sơ đề nghị xác nhận bị thương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu được quy định như thế nào?
Thành phần hồ sơ đề nghị xác nhận bị thương đối với quân nhân, công nhân viên chức quốc phòng, người làm công tác cơ yếu được quy định tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư 202/2013/TT-BQP hướng dẫn trình tự thủ tục ưu đãi người có công cách mạng. Cụ thể là:
Hồ sơ: 03 bộ (lưu tại đơn vị cấp giấy chứng nhận bị thương; đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng; Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị), mỗi bộ gồm:
- Đơn đề nghị của đối tượng (Mẫu TB5);
- Giấy chứng nhận bị thương (Mẫu TB1);
- Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy chứng nhận bị thương;
- Công văn đề nghị của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 Thông tư này;
- Phiếu thẩm định của Cục Chính sách/Tổng cục Chính trị (Mẫu XD);
- Biên bản giám định thương tật của Hội đồng Giám định Y khoa (Mẫu TB2).
Ngoài ra, căn cứ vào quy định tại Khoản 1 Điều 13 Thông tư 202/2013/TT-BQP thì bạn phải làm đơn đề nghị xác nhận bị thương kèm theo giấy ra viện sau khi điều trị vết thương và một trong các loại giấy tờ sau:
- Trường hợp bạn bị thương do chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia hoặc do trực tiếp phục vụ chiến đấu trong khi địch bắn phá: Tải đạn, cứu thương, tải thương, đảm bảo thông tin liên lạc, cứu chữa kho hàng, bảo vệ hàng hóa và các trường hợp đảm bảo chiến đấu thì phải có giấy xác nhận của Thủ trưởng cấp trung đoàn và tương đương trở lên cấp.
- Trường hợp bạn bị thương trong khi làm nghĩa vụ quốc tế theo nhiệm vụ được giao thì phải có quyết định đi làm nghĩa vụ quốc tế do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền cấp; giấy xác nhận trường hợp bị thương do Thủ trưởng cấp trung đoàn và tương đương trở lên cấp.
- Trường hợp bị thương do trực tiếp tham gia đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội thuộc các tội được quy định trong Bộ luật Hình sự thì phải có một trong các giấy tờ: Kết luật điều ta, quyết định khởi tố vụ án, quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án, quyết định truy nã bị can, quyết định gia hạn điều tra, quyết định không khởi tố vụ án, quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định đình chỉ điều tra vụ án.
- Trường hợp bị thương do dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân phải có biên bản xảy ra sự việc do cấp trung đoàn và tương đương trở lên trực tiếp quản lý lập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra sự việc lập;
- Trường hợp bị thương trong khi trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm: Bắn đạn thật, sử dụng thuốc nổ; huấn luyện, diễn tập chiến đấu của không quân, hải quân, cảnh sát biển và đặc công; chữa cháy; chống khủng bố, bạo loạn; giải thoát con tin; cứu hộ, cứu nạn, ứng cứu thảm họa thiên tai thì phải có biên bản xảy ra sự việc của cấp trung đoàn và tương đương trở lên trực tiếp tổ chức huấn luyện, diễn tập lập (Mẫu XN2) kèm theo bản sao kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo có liên quan của cấp có thẩm quyền; quyết định hoặc văn bản giao nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh;
- Trường hợp bị thương trong khi làm nhiệm vụ quốc phòng và an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật thì phải có giấy xác nhận trường hợp bị thương và giấy xác nhận làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn do Thủ trưởng cấp trung đoàn và tương đương trở lên cấp;
- Trường hợp bị thương khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao phải có quyết định hoặc văn bản giao làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; biên bản xảy ra sự việc do Thủ trưởng đội (đoàn) tìm kiếm, quy tập lập.