Đường sắt tốc độ cao được định nghĩa như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Đường sắt tốc độ cao được định nghĩa như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Từ ngày 01/7/2018, Luật Đường sắt 2017 chính thức có hiệu lực thi hành. Theo đó, Luật này quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý nhà nước về hoạt động đường sắt.
Đường sắt tốc độ cao được định nghĩa tại Khoản 10 Điều 3 Luật Đường sắt 2017. Cụ thể như sau:
Đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia có tốc độ thiết kế từ 200 km/h trở lên, có khổ đường 1.435 mm, đường đôi, điện khí hóa.
Liên quan đến nội dung này, để bạn nắm rõ hơn, chúng tôi gửi đến bạn thông tin về một số khái niệm sử dụng trong lĩnh vực vận tải đường sắt như sau:
- Phương tiện giao thông đường sắt là đầu máy, toa xe, phương tiện chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
- Tuyến đường sắt là một hoặc nhiều khu đoạn liên tiếp tính từ ga đường sắt đầu tiên đến ga đường sắt cuối cùng.
- Tàu là phương tiện giao thông đường sắt được lập bởi đầu máy và toa xe hoặc đầu máy chạy đơn, toa xe động lực, phương tiện động lực chuyên dùng di chuyển trên đường sắt.
- Ga đường sắt là nơi để phương tiện giao thông đường sắt dừng, tránh, vượt, đón, trả khách, xếp, dỡ hàng hoá, thực hiện tác nghiệp kỹ thuật và các dịch vụ khác.
- Hoạt động đường sắt là hoạt động của tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quy hoạch, kinh doanh đường sắt, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và các hoạt động khác có liên quan.
Trên đây là nội dung tư vấn đối với thắc mắc của bạn về khái niệm đường sắt tốc độ cao trong giao thông vận tải. Để hiểu chi tiết hơn vấn đề này, bạn vui lòng tham khảo tại Luật Đường sắt 2017.