Đơn kháng cáo có thể được điểm chỉ hay không? Khi tòa án đã thụ lý đơn, liệu có thể rút đơn kháng cáo không?
Nội dung chính
Đơn kháng cáo có được điểm chỉ không?
Cho hỏi, khi viết đơn kháng cáo vụ án dân sự thì có được điểm chỉ không? Ví dụ như trường hợp của người không biết chữ, họ nhờ người khác soạn nội dung đơn rồi điểm chỉ vào có được không?
Trả lời:
Khoản 1 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: Khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo.
Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
- Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.
Khoản 2 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định như sau:
Người kháng cáo là cá nhân có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự có thể tự mình làm đơn kháng cáo. Tại mục tên, địa chỉ của người kháng cáo trong đơn phải ghi họ, tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo. Ở phần cuối đơn kháng cáo, người kháng cáo phải ký tên hoặc điểm chỉ.
Theo các quy định nêu trên thì đơn kháng cáo có thể điểm chỉ được bạn nhé.
Đơn kháng cáo có được điểm chỉ không? (Hình từ internet)
Có được rút đơn kháng cáo khi tòa án đã thụ lý đơn không?
Ban biên tập cho tôi hỏi. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì khi Tòa án đã thụ lý đơn kháng cáo có được rút không? Mong sớm nhận phản hồi ạ.
Trả lời:
Tại Điều 342 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, có quy định về việc rút kháng cáo như sau:
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị nhưng không được làm xấu hơn tình trạng của bị cáo; người kháng cáo rút một phần hoặc toàn bộ kháng cáo; Viện kiểm sát ra quyết định kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.
Và tại Khoản 3 Điều 284 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, có quy định:
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền thay đổi, bổ sung kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị có quyền thay đổi, bổ sung kháng nghị, nhưng không được vượt quá phạm vi kháng cáo, kháng nghị ban đầu, nếu thời hạn kháng cáo, kháng nghị đã hết.
- Trước khi bắt đầu phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm, người kháng cáo có quyền rút kháng cáo, Viện kiểm sát đã kháng nghị hoặc Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp có quyền rút kháng nghị.
Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.
Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định.
Căn cứ quy định trên thì cả trong tố tụng hình sự và tố tụng dân sự thì cả người kháng cáo trong vụ án hình sự và dân sự đều được rút đơn kháng cáo dù tòa đã thụ lý đơn kháng cáo. Kể cả ngay tại phiên tòa xét xử vụ án phúc thẩm bạn nhé.
Đơn kháng cáo sẽ được gửi cho ai?
Khi ly hôn, vợ chồng tôi có nói là tài sản tự thỏa thuận, tuy nhiên khi đã có quyết định ly hôn thì tài sản giữa tôi và chồng không giải quyết được nên xảy ra tranh chấp giữa hai bên, có khởi kiện ra Tòa, sau khi Tòa xử thì tôi không đồng ý với quyết định đó nên định kháng cáo, thế cho tôi hỏi đơn kháng cáo phải được gửi cho ai?
Trả lời:
Tại Khoản 7 Điều 272 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:
Đơn kháng cáo phải được gửi cho Tòa án cấp sơ thẩm đã ra bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo. Trường hợp đơn kháng cáo được gửi cho Tòa án cấp phúc thẩm thì Tòa án đó phải chuyển cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiến hành các thủ tục cần thiết theo quy định của Bộ luật này.
Kèm theo đơn kháng cáo, người kháng cáo phải gửi tài liệu, chứng cứ bổ sung (nếu có) để chứng minh cho kháng cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.
Đồng thời, bạn nên lưu ý thêm khi thực hiện quyền kháng cáo, người kháng cáo phải làm đơn kháng cáo.
Đơn kháng cáo phải có các nội dung chính sau đây:
- Ngày, tháng, năm làm đơn kháng cáo;
- Tên, địa chỉ; số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử (nếu có) của người kháng cáo;
- Kháng cáo toàn bộ hoặc phần của bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật;
- Lý do của việc kháng cáo và yêu cầu của người kháng cáo;
- Chữ ký hoặc điểm chỉ của người kháng cáo.