Điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển được thực hiện theo trình tự như thế nào theo Thông tư 32?
Nội dung chính
Điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển được thực hiện theo trình tự như thế nào theo Thông tư 32?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Thông tư 32/2024/TT-BTNMT quy định trình tự điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển được chia thành hai giai đoạn:
- Điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển nhằm dự báo tài nguyên cấp 334a và khoanh định các khu vực có triển vọng để chuyển sang giai đoạn đánh giá;
- Đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển nhằm làm rõ quy mô, chất lượng khoáng sản cát biển, tính tài nguyên cấp 333, cấp 222 và khoanh định các khu vực đủ điều kiện chuyển giao thăm dò, khai thác.
Điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển bao gồm bao nhiêu nội dung?
Căn cứ Điều 5 Thông tư 32/2024/TT-BTNMT quy định như sau:
Nội dung điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển
1. Công tác văn phòng trước thực địa
a) Thu thập các tài liệu về địa chất, khoáng sản, môi trường, địa chất công trình, hải văn và các tài liệu liên quan khác;
b) Tổng hợp, xử lý, phân tích, dự kiến các khu vực có khoáng sản cát biển dựa trên các tiền đề, dấu hiệu địa chất, địa vật lý.
2. Công tác trắc địa
3. Công tác địa vật lý
a) Đo địa chấn nông phân giải cao;
b) Đo sonar quét sườn.
4. Công tác địa chất
Thành lập bản đồ trầm tích tầng mặt, bản đồ phân vùng triển vọng và dự báo tài nguyên cấp 334a tỷ lệ 1:50.000.
5. Thi công công trình điều tra, lấy mẫu trong công trình điều tra.
6. Lấy, gia công và phân tích mẫu.
7. Tổng hợp tài liệu, tính tài nguyên cấp 334a, khoanh định, đề xuất các khu vực có triển vọng.
Như vậy, việc điều tra tài nguyên khoáng sản cát biển bao gồm 7 nội dung nêu trên.
Điều tra, đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển được thực hiện theo trình tự như thế nào theo Thông tư 32? (hình từ internet)
Nội dung đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển như thế nào?
Theo Điều 6 Thông tư 32/2024/TT-BTNMT quy định nội dung đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển như sau:
Nội dung đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển
1. Công tác trắc địa
2. Công tác địa vật lý
a) Đo địa chấn nông phân giải cao;
b) Đo sonar quét sườn.
3. Công tác địa chất
Thành lập các loại bản đồ trầm tích tầng mặt, thủy - thạch động lực, địa chất môi trường - tai biến địa chất.
4. Công tác điều tra địa mạo đáy biển.
5. Thi công công trình đánh giá, lấy mẫu trong công trình đánh giá.
6. Lấy, gia công và phân tích mẫu.
7. Dự báo tác động của hoạt động khai thác.
8. Xác định khả năng sử dụng, phương pháp và công nghệ khai thác cát biển.
9. Tổng hợp tài liệu, tính tài nguyên cấp 333, cấp 222, khoanh định, đề xuất khu vực triển vọng khoáng sản cát biển để chuyển giao thăm dò, khai thác.
Theo đó, việc đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển gồm các công tác theo quy định trên.
Công tác trắc địa đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển cần yêu cầu những kỹ thuật gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 19 Thông tư 32/2024/TT-BTNMT Công tác trắc địa đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển bao gồm các yêu cầu kỹ thuật như sau:
(1) Trắc địa định vị dẫn tuyến: thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BTNMT; Độ lệch tuyến giữa thiết kế và thi công địa vật lý không quá ± 1,0 mm theo tỷ lệ bản đồ (ngoài thực địa là: ± 25m đối với tỷ lệ 1: 25.000); Sai số định vị tọa độ điểm khảo sát địa vật lý ≤ ±10 m;
(2) Đo sâu theo tuyến bằng máy đo sâu hồi âm theo quy định về đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển bằng máy đo sâu hồi âm đa tia ban hành kèm theo Thông tư số 24/2010/TT-BTNMT;
- Sai số trung phương độ sâu của điểm đo địa vật lý sau khi đã quy đổi về hệ độ cao Quốc gia được xác định theo công thức và không được vượt quá các hạn sai sau: m ≤ ± 0,30m khi độ sâu đến 30m; m ≤ 1,5% độ sâu khi độ sâu từ 30-100m, trong đó: m là sai số trung phương độ sâu; n là số lượng giao điểm; Δ là số chênh độ sâu giữa tuyến đo sâu và tuyến đo kiểm tra tại giao điểm của 2 tuyến đo; độ sâu tại giao điểm này được nội suy từ 2 điểm đo sâu gần nhất trước và sau giao điểm trên từng tuyến đo;
- Chênh lệch độ sâu giữa điểm đo sâu và điểm kiểm tra không vượt quá 1,5 lần so với sai số trung phương độ sâu cho phép (không vượt quá ± 0,30m khi độ sâu đến 30m và 1,5% giá trị độ sâu khi độ sâu trên 30m.
(3) Xác định tọa độ và độ sâu điểm lấy mẫu bằng công nghệ định vị vệ tinh GPS theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BTNMT; sai số định vị tọa độ trạm khảo sát địa chất là ± 0,7 mm theo tỷ lệ bản đồ (ngoài thực địa là: ± 17,5 m đối với tỷ lệ 1: 25.000);
(4) Quan trắc mực nước biển và xử lý số liệu thủy triều tại các trạm quan trắc thước nước ven bờ thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2022/TT-BTNMT;
(5) Lập lưới khống chế tọa độ và độ cao: theo quy định tại QCVN 04:2009/BTNMT; QCVN 11:2008/BTNMT;
(6) Vẽ bản đồ độ sâu đáy biển tỷ lệ 1:25.000
- Bản đồ độ sâu đáy biển tỷ lệ 1:25.000 được vẽ trên cơ sở kết quả đo sâu hồi âm theo tuyến và các số liệu tọa độ, độ sâu các điểm khảo sát địa vật lý, địa chất, các điểm khảo sát khác có liên quan của đề án;
- Bản đồ độ sâu đáy biển tỷ lệ 1:25.000 có đường đẳng sâu cơ bản là 1m; các quy định kỹ thuật, cơ sở toán học, nội dung và ký hiệu bản đồ thực hiện theo Thông tư số 06/2022/TT-BTNMT; Thông tư số 12/2020/TT-BTNMT ngày 30 tháng 9 năm 2020 ban hành Quy định kỹ thuật về nội dung và ký hiệu bản đồ địa hình quốc gia tỷ lệ 1:10.000, 1:25.000.