Để người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

Chuyên viên pháp lý Hồ Nguyễn Bảo Ngọc
Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Để người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? An toàn trong thi công xây dựng công trình được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Để người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Nghị định16/2022/NĐ-CP về mức phạt tiền khi đẻ người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình như sau:

    Vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình
    2. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
    a) Để người lao động không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn hoặc vi phạm các quy định về sử dụng dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân tham gia lao động trong thi công xây dựng công trình;
    b) Không lập kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động theo quy định, không lập các biện pháp đảm bảo an toàn chi tiết đối với những công việc có nguy cơ mất an toàn lao động cao;
    c) Sử dụng thiết bị thi công không có giấy tờ lưu hành, vận hành theo quy định, không kiểm định hoặc đã hết thời gian kiểm định, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các nội dung ghi trong giấy tờ lưu hành, vận hành, kiểm định;
    d) Không có biển cảnh báo đề phòng tai nạn hoặc không bố trí người hướng dẫn tại những vị trí nguy hiểm trên công trường;
    đ) Không bố trí hoặc bố trí người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động không được đào tạo về chuyên ngành an toàn lao động hoặc chuyên ngành kỹ thuật xây dựng và đáp ứng quy định khác của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
    e) Không hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có thể xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường;
    g) Không lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp đảm bảo an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình;

    h) Không có quy định cụ thể biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh môi trường trong biện pháp thi công.

    ...

    Như vậy, khi để người lao động không mặc đồ bảo hộ, tức là không tuân thủ biện pháp kỹ thuật an toàn trong thi công xây dựng công trình thì sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.

    Đồng thời, căn cứ theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 Nghị định 16/2022/NĐ-CP về hình thức xử phạt và mức phạt đối với cá nhân và tổ chức như sau:

    Hình thức xử phạt, mức phạt tiền tối đa, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền xử phạt
    ...
    2. Hình thức xử phạt bổ sung:
    ...
    c) Mức phạt tiền quy định tại Nghị định này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức (trừ mức phạt quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 24; điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 59, điểm a khoản 3 Điều 64, Điều 65, khoản 1 (trừ điểm e) Điều 70 Nghị định này là mức phạt đối với cá nhân). Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

    Như vậy, đối với trường hợp người vi phạm là nhà thầu, chủ đầu tư là cá nhân thì mức phạt tiền tối đa bằng 1/2 mức phạt đối với tổ chức, vậy nên mức phạt hành chính sẽ từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng.

    Riêng đối với trường hợp nhà thầu, chủ đầu tư là tổ chức sẽ bị phạt hành chính từ 30.000.000 đến 50.000.000 đồng.

    Để người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền?

    Để người lao động không mặc đồ bảo hộ khi xây dựng công trình thì bị phạt hành chính bao nhiêu tiền? (Hình từ Internet)

    An toàn trong thi công xây dựng công trình được pháp luật quy định như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 115 Luật xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung tại khoản 43 Điều 1 Luật Xây dựng 2020 về an toàn trong thi công công trình được quy định như sau:

    An toàn trong thi công xây dựng công trình
    1. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong quá trình thi công xây dựng công trình, phòng, chống cháy, nổ và bảo vệ môi trường.
    2. Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn của nhà thầu thi công xây dựng; tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn, có sự cố gây mất an toàn công trình; phối hợp với các nhà thầu xử lý, khắc phục khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn lao động; thông báo kịp thời với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi xảy ra sự cố công trình, tai nạn lao động gây chết người.
    3. Nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm xác định vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận biện pháp bảo đảm an toàn cho con người, công trình xây dựng, tài sản, thiết bị, phương tiện trong vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình; rà soát biện pháp bảo đảm an toàn định kỳ, đột xuất để điều chỉnh cho phù hợp với thực tế thi công trên công trường.
    4. Trường hợp vùng nguy hiểm trong thi công xây dựng công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo cơ quan chuyên môn về xây dựng biện pháp bảo đảm an toàn đã được chấp thuận để kiểm tra trong quá trình thi công xây dựng.
    5. Máy, thiết bị, vật tư phục vụ thi công xây dựng có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng.
    6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

    Theo đó, nhà thầu thi công có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho con người, công trình, và tài sản trong quá trình xây dựng, bao gồm phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

    Chủ đầu tư cần giám sát việc thực hiện quy định an toàn của nhà thầu, tạm dừng thi công khi phát hiện vi phạm, và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố.

    Nhà thầu phải xác định các vùng nguy hiểm và lập biện pháp bảo đảm an toàn cho các hoạt động thi công.

    Nếu vùng nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, chủ đầu tư phải báo cáo cho cơ quan chuyên môn.

    Tất cả máy móc, thiết bị và vật tư thi công đều phải được kiểm định an toàn trước khi sử dụng, theo quy định của Chính phủ.

    Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư có trách nhiệm gì?

    Người thực hiện công tác quản lý an toàn lao động của chủ đầu tư có trách nhiệm được quy định tại khoản 17 Điều 14 Nghị định 06/2021/NĐ-CP bao gồm:

    - Tổ chức giám sát việc thực hiện các quy định về an toàn trong thi công xây dựng của các nhà thầu

    - Tổ chức phối hợp giữa các nhà thầu để thực hiện quản lý an toàn và giải quyết các vấn đề phát sinh về an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình;

    - Tạm dừng hoặc đình chỉ thi công khi phát hiện dấu hiệu vi phạm quy định về an toàn trong thi công xây dựng công trình.

    139
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ