Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng được quy định như thế nào theo pháp luật hiện hành?
Nội dung chính
Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 165/2017/NĐ-CP về quy định việc quản lý, sử dụng tài sản tại cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam thì việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng được quy định cụ thể như sau:
- Trụ sở làm việc của cơ quan của Đảng được đầu tư xây dựng trong các trường hợp sau đây:
+ Cơ quan của Đảng chưa có trụ sở làm việc hoặc trụ sở làm việc hiện có không bảo đảm điều kiện làm việc theo quy định của pháp luật mà Nhà nước không có trụ sở làm việc để giao và không thuộc trường hợp thuê trụ sở làm việc;
+ Sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc để đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
- Trụ sở làm việc được đầu tư xây dựng theo một trong các mô hình sau đây:
+ Khu hành chính tập trung;
+ Trụ sở làm việc độc lập.
- Việc đầu tư xây dựng trụ sở làm việc được thực hiện theo các phương thức sau đây:
+ Giao tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo mô hình khu hành chính tập trung;
+ Giao cơ quan của Đảng trực tiếp sử dụng trụ sở làm việc hoặc tổ chức có chức năng thực hiện đầu tư xây dựng theo mô hình trụ sở làm việc độc lập.
Cơ quan tổ chức được giao thực hiện đầu tư xây dựng trụ sở làm việc phải có đủ năng lực thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan;
+ Đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công - tư;
+ Phương thức khác theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp đầu tư xây dựng trụ sở làm việc theo hình thức đối tác công - tư, Văn phòng Trung ương Đảng, Ban thường vụ tỉnh ủy hoặc cơ quan, đơn vị thuộc Văn phòng Trung ương Đảng, Tỉnh ủy, Thành ủy được ủy quyền là cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án.