Đất rừng phòng hộ được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất không?
Nội dung chính
Đất rừng phòng hộ được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất không?
Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Luật Đất đai 2023 quy định về trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất như sau:
Giao đất không thu tiền sử dụng đất
1. Cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được giao đất nông nghiệp trong hạn mức quy định tại Điều 176 của Luật này.
2. Đất xây dựng trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật và được Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên; đất quốc phòng, an ninh; đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh; đất nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng, đất cơ sở lưu giữ tro cốt không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 119 của Luật này; đất tín ngưỡng để bồi thường cho trường hợp Nhà nước thu hồi đất tín ngưỡng.
3. Người sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.
4. Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất xây dựng công trình sự nghiệp.
5. Cộng đồng dân cư sử dụng đất nông nghiệp; tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc sử dụng đất quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật này.
6. Cơ quan, tổ chức sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật về nhà ở.
7. Đồng bào dân tộc thiểu số không phải là cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng thuộc đối tượng giao đất không thu tiền sử dụng đất theo chính sách quy định tại Điều 16 của Luật này.
8. Tổ chức sử dụng đất để xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo dự án của Nhà nước.
9. Việc giao đất quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Điều 124 của Luật này.
Như vậy, người sử dụng đất rừng phòng hộ được quy định tại khoản 3 Điều 188 nêu trên thuộc trường hợp giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Đất rừng phòng hộ được nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất không? (Ảnh từ Internet)
Đối tượng nào được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý?
Theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 185 Luật Đất đai 2024 quy định về các đối tượng được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng như sau:
Đất rừng phòng hộ
1. Nhà nước giao đất rừng phòng hộ để quản lý, sử dụng, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp cho các đối tượng sau đây:
a) Ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng, đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
b) Tổ chức kinh tế đối với đất rừng phòng hộ xen kẽ trong diện tích đất rừng sản xuất của tổ chức đó;
c) Cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ;
d) Cộng đồng dân cư trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ.
2. Các đối tượng được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ quy định tại khoản 1 Điều này được xây dựng công trình kết cấu hạ tầng phục vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Theo đó, Nhà nước giao đất rừng phòng hộ cho các tổ chức và cá nhân có chức năng quản lý, bảo vệ, và phát triển rừng, bao gồm các ban quản lý rừng, lực lượng vũ trang, tổ chức kinh tế, cá nhân và cộng đồng dân cư địa phương.
Những đối tượng này được phép xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ cho công tác quản lý và phát triển rừng theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp.
Thời hạn sử dụng đất rừng phòng hộ đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất là bao lâu?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 173 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Thời hạn sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
1. Thời hạn sử dụng đất đối với cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ sang loại đất khác thì thời hạn được xác định theo thời hạn của loại đất sau khi được chuyển mục đích sử dụng. Thời hạn sử dụng đất được tính từ thời điểm có quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối sang đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ thì thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
Theo đó, thời hạn sử dụng đất khi cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất sẽ được xác định theo loại đất mới sau khi chuyển đổi.
Cụ thể, nếu chuyển từ đất rừng đặc dụng hoặc đất rừng phòng hộ sang loại đất khác, thời hạn sử dụng được tính theo loại đất mới từ khi có quyết định chuyển đổi.
Ngược lại, nếu chuyển các loại đất sản xuất nông nghiệp hoặc nuôi trồng sang đất rừng đặc dụng hoặc đất rừng phòng hộ, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài.