Đăng ký lưu trú có phải là thủ tục bắt buộc hiện nay hay không?
Nội dung chính
Lưu trú là gì? Có bắt buộc phải đăng ký lưu trú hay không?
Căn cứ vào khoản 5, 6 Điều 2 Luật Cư trú 2020 quy định như sau:
Giải thích từ ngữ
Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
...
5. Đăng ký cư trú là việc thực hiện thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, khai báo tạm vắng; thông báo lưu trú và khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú.
...
6. Lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
...
Trong đó:
- Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.
- Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú và đã được đăng ký tạm trú.
Như vậy có thể hiểu lưu trú là việc công dân ở lại một địa điểm không phải nơi thường trú hoặc nơi tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày.
Vậy đăng ký lưu trú là gì và đăng ký lưu trú có bắt buộc không?
Pháp luật hiện hành không dùng cụm từ "đăng ký lưu trú" mà chỉ là thông báo lưu trú và là một trong những nội dung của đăng ký cư trú.
Căn cứ vào Điều 9 Luật Cư trú 2020 quy định về nghĩa vụ của công dân về cư trú như sau:
Nghĩa vụ của công dân về cư trú
1. Thực hiện việc đăng ký cư trú theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, giấy tờ, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, giấy tờ, tài liệu đã cung cấp.
3. Nộp lệ phí đăng ký cư trú theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
Theo quy định trên việc đăng ký cư trú nói chung và thông báo lưu trú nói riêng là nghĩa vụ của công dân, nên đây là thủ tục bắt buộc.
Đăng ký lưu trú có phải là thủ tục bắt buộc hiện nay hay không? (Hình từ Internet)
Thông báo lưu trú như thế nào hiện nay?
Căn cứ vào Điều 30 Luật Cư trú 2020 quy định về đăng ký cư trú thì việc thông báo lưu trú được thực hiện như sau:
- Khi có người đến lưu trú, thành viên hộ gia đình, người đại diện cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở khác có chức năng lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú; trường hợp người đến lưu trú tại chỗ ở của cá nhân, hộ gia đình mà cá nhân, thành viên hộ gia đình không có mặt tại chỗ ở đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc, lưu trú với cơ quan đăng ký cư trú.
- Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp, bằng điện thoại, phương tiện điện tử hoặc phương tiện khác do Bộ trưởng Bộ Công an quy định.
- Nội dung thông báo về lưu trú bao gồm họ và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, số hộ chiếu của người lưu trú; lý do lưu trú; thời gian lưu trú; địa chỉ lưu trú.
- Việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 23 giờ của ngày bắt đầu lưu trú; trường hợp người đến lưu trú sau 23 giờ thì việc thông báo lưu trú được thực hiện trước 08 giờ ngày hôm sau; trường hợp ông, bà, cha, mẹ, vợ, chồng, con, cháu, anh, chị, em ruột đến lưu trú nhiều lần thì chỉ cần thông báo lưu trú một lần.
- Việc thông báo lưu trú được ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú.
Trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong vấn đề thông báo lưu trú?
Căn cứ vào khoản Điều 33 Luật Cư trú 2020 quy định về trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú như sau:
Trách nhiệm của cơ quan đăng ký cư trú
1. Niêm yết công khai thủ tục hành chính; hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình thực hiện các quy định của pháp luật về cư trú; công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng.
2. Cập nhật thông tin về cư trú của công dân vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.
3. Xác nhận thông tin về cư trú, thông báo về kết quả thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, khai báo thông tin, điều chỉnh thông tin về cư trú, tách hộ, khai báo tạm vắng dưới hình thức văn bản, tin nhắn điện tử hoặc hình thức khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
4. Quản lý, lưu trữ hồ sơ, giấy tờ, tài liệu về đăng ký, quản lý cư trú và bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân.
5. Giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cư trú, quản lý cư trú theo thẩm quyền.
Như vậy, cơ quan đăng ký cư trú phải công khai địa điểm, số điện thoại hoặc cách thức khác để tiếp nhận thông báo lưu trú cho người dân dễ tiếp cận và thực hiện nghĩa vụ thông báo lưu trú.
Không thông báo lưu trú bị phạt bao nhiêu tiền?
Căn cứ vào khoản 1 Điều 9 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú như sau:
Vi phạm quy định về đăng ký và quản lý cư trú
1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, xóa đăng ký thường trú, xóa đăng ký tạm trú, tách hộ hoặc điều chỉnh thông tin về cư trú trong Cơ sở dữ liệu về cư trú;
b) Không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;
c) Không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Như vậy, hành vi không thông báo lưu trú theo quy định có thể bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Lưu ý: Trên đây là mức phạt tối đa đối với cá nhâ, mức phạt tiền tối đa xủa tổ chức đối với hành vi vi phạm này sẽ bằng 02 lần đối với mức phạt cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 144/2021/NĐ-CP