Đã vay vốn ODA nhưng doanh nghiệp có nhu cầu vay thêm thì có được pháp luật cho phép không?

Điều kiện để doanh nghiệp có thể vay lại số vốn ODA? Phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại được quy định như thế nào?

Nội dung chính

    Điều kiện để doanh nghiệp có thể vay lại vốn ODA?

    Căn cứ Khoản 3 Điều 36 Luật Quản lý nợ công 2017 quy định về điều kiện được vay lại như sau:

    Điều kiện được vay lại
    ...
    3. Doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có tư cách pháp nhân, được thành lập hợp pháp tại Việt Nam và có thời gian hoạt động ít nhất 03 năm;
    b) Có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng vốn vay, đã hoàn thành thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật;
    c) Có phương án tài chính khả thi được cấp có thẩm quyền thẩm định theo quy định tại Điều 38 của Luật này;
    d) Có hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu không vượt quá 03 lần theo báo cáo tài chính của năm gần nhất so với năm thực hiện thẩm định;
    đ) Không bị lỗ trong 03 năm liền kề gần nhất theo báo cáo kiểm toán, trừ các khoản lỗ do thực hiện chính sách của Nhà nước được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    e) Không có nợ quá hạn tại thời điểm đề nghị vay lại;
    g) Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của pháp luật.

    Theo đó, khi doanh nghiệp bạn đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện trên thì có thể vay lại số vốn ODA để tiếp tục hoạt động kinh doanh.

    Điều kiện để doanh nghiệp có thể vay lại vốn ODA? (Ảnh từ Internet)

    Phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại được quy định như thế nào?

    Tại Điều 37 Luật Quản lý nợ công 2017 về phí quản lý cho vay lại, dự phòng rủi ro cho vay lại như sau:

    (1) Phí quản lý cho vay lại được quy định như sau:

    - Phí quản lý cho vay lại bằng 0,25%/năm tính trên dư nợ vay lại do bên vay lại nộp;

    - Phí quản lý cho vay lại được sử dụng để chi phục vụ công tác cho vay, quản lý, thu hồi vốn cho vay lại của cơ quan cho vay lại.

    (2) Dự phòng rủi ro cho vay lại được quy định như sau:

    - Mức dự phòng rủi ro cho vay lại được tính trên cơ sở đánh giá năng lực tài chính của bên vay lại, mức độ rủi ro của từng chương trình, dự án nhưng không quá 1,5%/năm trên dư nợ vay lại do bên vay lại nộp;

    - Trường hợp cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp vào Quỹ tích lũy trả nợ. Trường hợp cơ quan cho vay lại chịu toàn bộ rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro cho vay lại được nộp cho cơ quan cho vay lại;

    - Dự phòng rủi ro cho vay lại dùng để tạo nguồn trả nợ vay nước ngoài trong trường hợp bên vay lại không thực hiện đầy đủ, đúng hạn nghĩa vụ trả nợ.

    Thẩm định cho vay lại vốn vay ODA được quy định như thế nào?

    Căn cứ Điều 38 Luật Quản lý nợ công 2017 thì thẩm định cho vay lại vốn vay ODA được quy định như sau:

    (1) Thẩm định cho vay lại vốn vay ODA đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được quy định như sau:

    - Bộ Tài chính thẩm định điều kiện được vay lại của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại khoản 1 Điều 36 của Luật Quản lý nợ công 2017

    - Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định và hồ sơ liên quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định cho vay lại đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

    (2) Thẩm định cho vay lại vốn vay ODA đối với đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp được quy định như sau:

    - Bên vay lại gửi đề nghị thẩm định cùng hồ sơ chương trình, dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài cho Bộ Tài chính và cơ quan được ủy quyền cho vay lại để thẩm định. Bên vay lại chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các hồ sơ để thực hiện thẩm định cho vay lại;

    - Nội dung thẩm định bao gồm điều kiện được vay lại quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 36 của Luật Quản lý nợ công 2017; năng lực tài chính của bên vay lại; phương án vay vốn, sử dụng vốn vay, doanh thu, chi phí, hiệu quả đầu tư và khả năng trả nợ của bên vay lại; tài sản bảo đảm của bên vay lại; phương án quản lý, xử lý tài sản thế chấp; đánh giá các yếu tố phi tài chính; mức độ rủi ro, giải pháp phòng ngừa và giảm thiểu rủi ro;

    - Cơ quan được ủy quyền cho vay lại thực hiện thẩm định các nội dung quy định tại điểm b khoản 2 Điều 38 Luật Quản lý nợ công 2017; cho ý kiến về khả năng trả nợ và đề xuất điều kiện vay lại, mức dự phòng rủi ro cho vay lại áp dụng đối với bên vay lại;

    - Căn cứ báo cáo kết quả thẩm định và hồ sơ liên quan, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cho vay lại.

    9