Con dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ hồng chung cư không?

Sổ hồng chung cư là gì? Con dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ hồng chung cư không? Hồ sơ cấp sổ hồng chung cư cho người dưới 18 tuổi

Nội dung chính

    Sổ hồng chung cư là gì?

    Sổ hồng hay còn có tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. (Theo khoản 21 Điều 3 Luật Đất đai 2024)

    Tài sản gắn liền với đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.

    Nhà chung cư là nhà ở có từ 02 tầng trở lên, có nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung, có phần sở hữu riêng, phần sở hữu chung và hệ thống công trình hạ tầng sử dụng chung cho gia đình, cá nhân, tổ chức, bao gồm nhà chung cư được xây dựng với mục đích để ở và nhà chung cư được xây dựng có mục đích sử dụng hỗn hợp. (Theo khoản 3 Điều 2 Luật Nhà ở 2023)

    Như vậy, có thể hiểu sổ hồng chung cư là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho chủ hộ căn hộ chung cư (sở hữu hợp pháp).

    Con dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ hồng chung cư không?

    Con dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ hồng chung cư không? (Hình từ Internet)

    Con dưới 18 tuổi có được đứng tên trên sổ hồng chung cư không?

    Theo Luật Đất đai 2024, cụ thể là Điều 134 quy định Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mẫu thống nhất trong cả nước.

    Và theo Điều 151 Luật Đất đai 2024 quy định về các trường hợp không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì hiện nay không có quy định giới hạn về độ tuổi được cấp sổ hồng, tức là về nguyên tắc không cấm người dưới 18 tuổi (người chưa thành niên) đứng tên trên sổ hồng.

    Mặt khác, căn cứ theo Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giao dịch dân sự của người dưới 18 tuổi như sau:

    + Người dưới 06 tuổi thì người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện giao dịch dân sự;

    + Người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi;

    + Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

    Theo đó, giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản của người dưới 18 tuổi cần phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện hoặc được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Cụ thể, Điều 136 Bộ luật Dân sự 2015 quy định người đại diện theo pháp luật của cá nhân bao gồm:

    - Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.

    - Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.

    - Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại hai khoản trên.

    - Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

    Ngoài ra, căn cứ Điều 8 Luật Nhà ở 2023 và khoản 1 Điều 9 Luật Nhà ở 2023 quy định điều kiện để cá nhân được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (trừ trường hợp nhà ở thuộc tài sản công) bao gồm:

    * Cá nhân có đủ điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam:

    (1) Cá nhân trong nước được sở hữu nhà ở thông qua hình thức đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế, nhận góp vốn, nhận đổi nhà ở; nhận nhà ở phục vụ tái định cư theo quy định của pháp luật; hình thức khác theo quy định của pháp luật;

    (2) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai;

    (3) Cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở (bao gồm cả căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ) tại Việt Nam thông qua các hình thức sau đây:

    (i) Mua, thuê mua nhà ở thương mại của chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở không thuộc khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định tại Điều 16 Luật Nhà ở 2023;

    (ii) Mua, thuê mua nhà ở của tổ chức, cá nhân nước ngoài đã sở hữu nhà ở theo quy định tại mục (i).

    * Cá nhân có nhà ở hợp pháp thông qua các hình thức sở hữu nhà ở như mua, thuê mua,... (tùy theo từng đối tượng là cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hay cá nhân nước ngoài)

    Nhà ở được ghi nhận quyền sở hữu trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải là nhà ở có sẵn.

    Từ những quy định nêu trên, con dưới 18 tuổi nếu có quyền sở hữu hợp pháp đối với căn hộ chung cư thì hoàn toàn có thể đứng tên trên sổ hồng chung cư. Tuy nhiên, các giao dịch như mua bán, tặng cho… căn hộ chung cư cần phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật và tùy vào từng độ tuổi mà con dưới 18 tuổi có thể tự mình thực hiện hoặc không.

    Con dưới 18 tuổi có thể tự mình quản lý tài sản riêng không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm:

    + Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng

    + Thu nhập do lao động của con

    + Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con

    + Thu nhập hợp pháp khác

    + Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con.

    Việc quản lý tài sản riêng của con được thực hiện theo Điều 76 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 như sau:

    - Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

    - Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. 

    Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

    - Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

    - Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự.

    Như vậy, chỉ khi con từ đủ 15 tuổi trở lên mới có thể tự mình quản lý tài sản riêng.

    274