Cơ quan, đơn vị đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có những trách nhiệm gì?

Cơ quan, đơn vị đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có những trách nhiệm gì? Cơ quan tham mưu trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm như thế nào?

Nội dung chính

    Cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm là gì?

    Căn cứ Khoản 1 Điều 7 Thông tư 26/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023) quy định về trách nhiệm của cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải như sau:

    - Tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

    Đối với đề nghị xây dựng nghị định, trong trường hợp cần thiết, đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan tổng kết đánh giá việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do cơ quan, tổ chức đó phụ trách có liên quan đến việc đề nghị xây dựng nghị định;

    - Tổ chức nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh;

    - Xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đánh giá tác động của chính sách theo quy định tại Điều 5, 6, 7, 8 và Điều 9 của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (sau đây gọi chung là Nghị định số 34/2016/NĐ-CP);

    - Dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật sau khi được cơ quan có thẩm quyền thông qua;

    - Chịu trách nhiệm về việc lập hồ sơ theo quy định tại Điều 9 của Thông tư này và bảo vệ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của mình;

    - Phối hợp cùng cơ quan tham mưu trình thực hiện tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

    Cơ quan, đơn vị đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có những trách nhiệm gì?Cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm là gì? (Hình từ internet)

    Cơ quan tham mưu trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm như thế nào?

    Theo Khoản 2 Điều 7 Thông tư 26/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023) quy định về trách nhiệm của cơ quan tham mưu trình lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải như sau:

    - Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tại khoản 1 Điều này và hoàn thiện hồ sơ theo quy định Điều 9 của Thông tư này;

    - Tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và tổng hợp, giải trình, tiếp thu theo quy định tại Điều 36 và Điều 86 Luật Ban hành văn bản;

    - Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại khoản 1 Điều 9 của Thông tư này đến Vụ Pháp chế để thẩm định;

    - Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của Vụ Pháp chế;

    - Tham mưu cho Lãnh đạo Bộ gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh và đề nghị xây dựng nghị định quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản sang Bộ Tư pháp để thẩm định và ký trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

    Vụ Pháp chế có trách nhiệm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải ra sao?

    Tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư 26/2022/TT-BGTVT (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023) quy định về trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Giao thông vận tải như sau:

    - Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

    - Lấy ý kiến của Văn phòng Bộ về thủ tục hành chính trước khi thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan, đơn vị lập;

    - Thẩm định đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Ban hành văn bản. Thời hạn thẩm định không quá 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật;

    - Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được chỉnh lý theo nghị quyết của Chính phủ đến Bộ Tư pháp trước ngày 31 tháng 12 hàng năm để đăng ký chương trình.

    6