Thứ 6, Ngày 01/11/2024

Có được điều khiển xe ô tô tham gia giao thông không khi giấy tờ xe đã bị thế chấp tại ngân hàng theo quy định hiện hành?

Có được điều khiển xe ô tô tham gia giao thông không khi giấy tờ xe đã bị thế chấp tại ngân hàng? Khi xảy ra tai nạn giao thông với xe ô tô đang thế chấp thì bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm? 

Nội dung chính

    Có được điều khiển xe ô tô tham gia giao thông không khi giấy tờ xe đã bị thế chấp tại ngân hàng theo quy định hiện hành?

    Tại Điều 317 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau về thế chấp tài sản:

    1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

    2. Tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ. Các bên có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

    Theo Điểm 1 Công văn 8601/VPCP-CN năm 2017 quy định về việc sử dụng Giấy đăng ký phương tiện tham gia giao thông trong trường hợp thế chấp phương tiện giao thông tại tổ chức tín dụng như sau:

    1. Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông được sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký phương tiện giao thông, kèm theo bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay cho bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông để tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký phương tiện giao thông nhằm bảo đảm nghĩa vụ dân sự trong việc thế chấp phương tiện.

    Như vậy, khi thế chấp xe tại ngân hàng, ngân hàng sẽ giữ giấy tờ gốc để đảm bảo bạn thực hiện nghĩa vụ dân sự. 

    Trong trường hợp bị giữ lại giấy tờ xe bản gốc, bạn có thể sử dụng bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe và bản gốc giấy biên nhận của ngân hàng còn hiệu lực để tiếp tục tham gia giao thông.

    Có được điều khiển xe ô tô tham gia giao thông không khi giấy tờ xe đã bị thế chấp tại ngân hàng theo quy định hiện hành? (Hình ảnh từ internet)

    Khi xảy ra tai nạn giao thông với xe ô tô đang thế chấp thì bảo hiểm sẽ chi trả tiền bảo hiểm cho ngân hàng hay chủ xe? 

    Theo Điều 318 Bộ luật dân sự 2015 quy định tài sản thế chấp, cụ thể như sau:

    1. Trường hợp thế chấp toàn bộ bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ của bất động sản, động sản đó cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    2. Trường hợp thế chấp một phần bất động sản, động sản có vật phụ thì vật phụ gắn với tài sản đó thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    3. Trường hợp thế chấp quyền sử dụng đất mà tài sản gắn liền với đất thuộc quyền sở hữu của bên thế chấp thì tài sản gắn liền với đất cũng thuộc tài sản thế chấp, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    4. Trường hợp tài sản thế chấp được bảo hiểm thì bên nhận thế chấp phải thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp. Tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho bên nhận thế chấp khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

    Trường hợp bên nhận thế chấp không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc tài sản bảo hiểm đang được dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bên thế chấp có nghĩa vụ thanh toán cho bên nhận thế chấp.

    Nếu như ngân hàng có thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc xe ô tô được bảo hiểm đang dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp cho ngân hàng khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

    Trường hợp ngân hàng không thông báo cho tổ chức bảo hiểm biết về việc xe ô tô được bảo hiểm đang dùng để thế chấp thì tổ chức bảo hiểm chi trả tiền bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm và bạn có nghĩa vụ thanh toán cho ngân hàng.

    Nghĩa vụ của bên thế chấp xe ô tô là gì?

    Căn cứ Điều 320 Bộ luật dân sự 2015 quy định nghĩa vụ của bên thế chấp, như sau: 

    1. Giao giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp trong trường hợp các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp luật có quy định khác.

    2. Bảo quản, giữ gìn tài sản thế chấp.

    3. Áp dụng các biện pháp cần thiết để khắc phục, kể cả phải ngừng việc khai thác công dụng tài sản thế chấp nếu do việc khai thác đó mà tài sản thế chấp có nguy cơ mất giá trị hoặc giảm sút giá trị.

    4. Khi tài sản thế chấp bị hư hỏng thì trong một thời gian hợp lý bên thế chấp phải sửa chữa hoặc thay thế bằng tài sản khác có giá trị tương đương, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

    5. Cung cấp thông tin về thực trạng tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp.

    6. Giao tài sản thế chấp cho bên nhận thế chấp để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm quy định tại Điều 299 của Bộ luật này.

    7. Thông báo cho bên nhận thế chấp về các quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận thế chấp có quyền hủy hợp đồng thế chấp tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản thế chấp.

    8. Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.

    Với quy định trên thì bạn là bên thế chấp xe ô tô và bạn phải thực hiện các nghĩa vụ nêu trên với tài sản là chiếc ô tô của mình với bên nhận thế chấp là ngân hàng. 

    9