Có cần giấy xác nhận của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bán đất trồng lúa không?

Có cần giấy xác nhận của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bán đất trồng lúa không? Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa là gì?

Nội dung chính

    Có cần giấy xác nhận cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bán đất trồng lúa không?

    Căn cứ khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định:

    Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
    1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
    b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
    d) Trong thời hạn sử dụng đất;

    Đồng thời, căn cứ khoản 8 Điều 45 Luật Đất đai 2024 không còn quy định hạn chế việc chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa. Tức, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp vẫn được chuyển nhượng, tặng cho đất trồng lúa.

    Ngoài ra, căn cứ khoản 1 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có quy định:

    Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp
    1. Việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
    a) Giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai;
    b) Đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình, cá nhân;
    c) Công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân ;
    d) Thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân mà cần xác định đối tượng được bồi thường, hỗ trợ.

    Theo đó, trong những điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa không nhắc đến việc bên bán phải xin giấy xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Các trường hợp được xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp cũng không bao gồm trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa theo quy định nêu trên.

    Có cần giấy xác nhận của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi bán đất trồng lúa không?( Hình ảnh từ Internet)

    Căn cứ xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là gì?

    Căn cứ khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT và khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, căn cứ xác định cá nhân, hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp để được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là:

    - Các căn cứ để xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

    + Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;

    + Không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;

    + Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;

    + Trường hợp giao đất nông nghiệp cho cá nhân theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của cá nhân thì chỉ căn cứ quy định tại Điểm b Khoản này.

    - Căn cứ xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp:

    + Đang sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao, cho thuê, công nhận quyền sử dụng đất; do nhận chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất nông nghiệp mà chưa được Nhà nước công nhận;

    + Có ít nhất một thành viên của hộ gia đình không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội;

    + Có nguồn thu nhập thường xuyên từ sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất đang sử dụng quy định tại Điểm a Khoản này, kể cả trường hợp không có thu nhập thường xuyên vì lý do thiên tai, thảm họa môi trường, hỏa hoạn, dịch bệnh;

    + Trường hợp giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình theo quy định tại Điều 54 của Luật đất đai, đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa của hộ gia đình thì chỉ căn cứ quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT

    Trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa là gì?

    Căn cứ Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP, trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa là;

    - Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

    - Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

    - Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.

    - Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    - Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:

    + Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định;

    + Không được làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng và ảnh hưởng xấu tới việc sản xuất lúa ở các khu vực liền kề;

    + Trường hợp làm hư hỏng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường nếu gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất lúa của các hộ ở khu vực liền kề;

    + Trường hợp đất bị nhiễm mặn tạm thời trong vụ nuôi trồng thủy sản nước mặn, thì phải có biện pháp phục hồi để trồng vụ lúa ngay sau vụ nuôi trồng thủy sản.

    - Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa:

    + Phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đất đai đối với điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa và quy định tại Điều 5 của Nghị định 35/2015/NĐ-CP;

    + Áp dụng các biện pháp phòng, chống ô nhiễm, thoái hóa môi trường đất, nước, không làm ảnh hưởng tới sản xuất lúa của khu vực liền kề. Trường hợp gây ảnh hưởng xấu phải có biện pháp khắc phục kịp thời và phải bồi thường thiệt hại.

     

    4