Chủ sở hữu có quyền dựng mốc giới ngăn cách trên ranh giới giữa hai thửa đất liền kề hay không?
Nội dung chính
Chủ sở hữu có quyền dựng mốc giới ngăn cách là hàng rào trên ranh giới giữa hai thửa đất liền kề hay không?
Căn cứ Điều 176 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Mốc giới ngăn cách các bất động sản
1. Chủ sở hữu bất động sản chỉ được dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình.
2. Các chủ sở hữu bất động sản liền kề có thể thỏa thuận với nhau về việc dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản; những vật mốc giới này là sở hữu chung của các chủ thể đó.
Trường hợp mốc giới ngăn cách chỉ do một bên tạo nên trên ranh giới và được chủ sở hữu bất động sản liền kề đồng ý thì mốc giới ngăn cách đó là sở hữu chung, chi phí để xây dựng do bên tạo nên chịu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác; nếu chủ sở hữu bất động sản liền kề không đồng ý mà có lý do chính đáng thì chủ sở hữu đã dựng cột mốc, hàng rào, trồng cây, xây tường ngăn phải dỡ bỏ.
...
Như vậy, chủ sở hữu thửa đất chỉ được dựng hàng rào trên phần đất thuộc quyền sử dụng của mình. Tuy nhiên có thể thoả thuận với chủ của thửa đất liền kề để dựng hàng rào trên ranh giới để làm mốc giới ngăn cách, lúc này mốc giới là sở hữu chung
Chủ sở hữu có quyền dựng mốc giới ngăn cách là hàng rào trên ranh giới giữa hai thửa đất liền kề hay không? (Ảnh từ Internet)
Có được xây dựng hầm chứa chất thải liền kề với mốc giới ngăn cách giữa hai thửa đất không?
Căn cứ khoản 2 Điều 177 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:
Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại
...
2. Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.
3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.
Như vậy, khi xây dựng hầm chứa chất thải thì không được xây liền kề mốc giới ngăn cách mà phải xây dựng cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu thửa đất liền kề.
Đã có Giấy chứng nhận mà có thay đổi mốc giới giữa hai thửa đất liền kề thì có phải đăng ký biến động không?
Căn cứ Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định:
Đăng ký biến động
1. Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây:
a) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất trong dự án xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng; chuyển nhượng dự án có sử dụng đất;
b) Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên;
c) Thay đổi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trên giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
d) Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;
...
2. Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu. Đối với trường hợp đăng ký biến động quy định tại điểm p khoản 1 Điều này thì được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp.
...
Như vậy, đã có Giấy chứng nhận mà có thay đổi mốc giới giữa hai thửa đất liền kề thì phải đăng ký biến động đất đai. Việc đăng ký biến động được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên Giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất có nhu cầu.