Cách thể hiện thông tin về giấy tờ nhân thân, pháp nhân trên hồ sơ địa chính?

Cách thể hiện thông tin về giấy tờ nhân thân, pháp nhân trên hồ sơ địa chính? Giấy tờ, tài liệu nào chứng minh quan hệ vợ chồng con cái? Hộ gia đình thì ai là người đứng tên Sổ đỏ?

Nội dung chính

    Cách thể hiện thông tin về giấy tờ nhân thân, pháp nhân trên hồ sơ địa chính?

    Căn cứ theo khoản 3 Điều 12 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT quy định thông tin về người được giao đất để quản lý, người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất cụ thể đối với thông tin về giấy tờ nhân thân, pháp nhân được thể hiện cụ thể như sau:

    (1) Đối với cá nhân

    - Thể hiện: tên giấy tờ; số, ngày tháng năm cấp giấy tờ, nơi cấp, như: Số định danh cá nhân: “SĐDCN: ... (số định danh cá nhân)” hoặc Căn cước công dân: “CCCD: ... (số căn cước công dân), cấp ngày .../.../...., nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)” hoặc Thẻ căn cước: “CC: ... (số Thẻ căn cước), cấp ngày .../..../.... nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)” hoặc Chứng minh nhân dân: “CMND: ... (số chứng minh nhân dân), cấp ngày …/…/…, nơi cấp ... (thể hiện tên cơ quan cấp)”;

    (2) Đối với cá nhân nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài

    - Thể hiện: tên giấy tờ (hộ chiếu); số, ngày tháng năm cấp hộ chiếu và quốc tịch của người đó.

    (3) Đối với tổ chức trong nước

    - Thể hiện thông tin: tên giấy tờ; số, ngày tháng năm cấp giấy tờ, cơ quan cấp giấy tờ về việc thành lập, công nhận hoặc đăng ký kinh doanh của tổ chức làm cơ sở xác định tên gọi của tổ chức đó theo quy định của pháp luật về đầu tư hoặc pháp luật về doanh nghiệp hoặc pháp luật khác có liên quan;

    (4) Đối với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài

    - Thể hiện thông tin: tên giấy tờ (giấy phép đầu tư hoặc giấy đăng ký kinh doanh hoặc một trong các loại giấy tờ khác thể hiện pháp nhân theo quy định của pháp luật về đầu tư); số, ngày ký, cơ quan ký giấy tờ;

    (5) Đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao

    - Thể hiện thông tin: tên văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất, cho thuê đất hoặc về việc thành lập, cho phép hoạt động của tổ chức hoặc văn bản đã ký kết giữa hai Chính phủ; số, ngày ký, cơ quan ký giấy tờ;

    (6) Đối với tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở

    - Thể hiện thông tin: tên giấy tờ (giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép hoạt động tại Việt Nam còn hiệu lực tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở); số, ngày ký, cơ quan ký giấy tờ;

    (7) Đối với tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc

    - Thể hiện thông tin về giấy tờ đăng ký hoạt động hoặc giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền về việc công nhận tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc.

    Như vậy, thông tin về giấy tờ nhân thân, pháp nhân trên hồ sơ địa chính được thể hiện theo như quy định nêu trên.

    Giấy tờ, tài liệu nào chứng minh quan hệ vợ chồng con cái?

    Căn cứ theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 62/2021/NĐ-CP quy định giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân thuộc trường hợp tại điểm a khoản 2 Điều 20 Luật Cư trú 2020 quy định:

    Điều kiện đăng ký thường trú
    ...
    2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:
    a) Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

    Đối với trường hợp trên giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ nhân thân như sau:

    - Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ vợ, chồng: Giấy chứng nhận kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú;

    - Giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con: Giấy khai sinh; chứng nhận hoặc quyết định việc nuôi con nuôi; quyết định việc nhận cha, mẹ, con; xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã nơi cư trú; Hộ chiếu còn thời hạn sử dụng có chứa thông tin thể hiện quan hệ nhân thân cha hoặc mẹ với con; quyết định của Tòa án, trích lục hộ tịch hoặc văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định, cơ quan khác có thẩm quyền xác nhận về quan hệ cha, mẹ với con.

    Như vậy, chứng minh quan hệ nhân thân cụ thể là quan hệ vợ chồng con cái bao gồm những giấy tờ nhân thân theo quy định như trên.

    Lưu ý, Nghị định 62/2021/NĐ-CP có hiệu lực đến hết ngày 09/01/2025.

    Hộ gia đình thì ai là người đứng tên Sổ đỏ?

    Căn cứ theo khoản 5 Điều 135 Luật Đất đai 2024 quy định nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (Sổ đỏ) như sau:

    Nguyên tắc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
    5. Trường hợp thửa đất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi đầy đủ tên thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện. Trường hợp các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất ghi tên đại diện hộ gia đình trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trao cho người đại diện hộ gia đình.
    Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    Như vậy, đối với hộ gia đình thì cấp Sổ đỏ ghi đầy đủ tên thành viên trong hộ gia đình khi có chung quyền sử dụng đất và được trao cho người đại diện. Nếu các thành viên của hộ gia đình có nhu cầu thì cấp 01 Sổ đỏ ghi tên người đại diện và trao cho người đó.

    Và việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên Sổ đỏ do các thành viên này tự thỏa thuận và chịu trách nhiệm trước pháp luật..

    86