Bao nhiêu tuổi mới được đăng ký đào tạo thường xuyên học nghề?
Nội dung chính
Bao nhiêu tuổi mới được đăng ký đào tạo thường xuyên học nghề?
Căn cứ Điều 8 Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 2 Thông tư 34/2018/TT-BLĐTBXH quy định tuyển sinh đào tạo thường xuyên như sau:
1. Đối tượng tuyển sinh: Người từ đủ 15 (mười lăm) tuổi trở lên, có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học. Đối với các ngành, nghề đặc thù trong danh mục do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được tuyển sinh đối với người dưới 15 (mười lăm) tuổi.
Trường hợp học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động thì phải đủ 14 (mười bốn) tuổi và phải có đủ sức khoẻ phù hợp với yêu cầu của nghề.
2. Hình thức tuyển sinh: xét tuyển và được thực hiện nhiều lần trong năm.
3. Hồ sơ, thủ tục tuyển sinh do người đứng đầu cơ sở đào tạo quy định.
Như vậy, bạn đã tốt nghiệp cấp 2 và 15 tuổi đã đủ điều kiện tuyển sinh về tuổi để đăng ký chương trình đào tạo thường xuyên học nghề. Ngoài ra, bạn cũng cần phải có có trình độ học vấn và sức khoẻ phù hợp với nghề cần học theo quy định trên.
Bao nhiêu tuổi mới được đăng ký đào tạo thường xuyên học nghề? (Hình ảnh từ internet)
Thời gian học mỗi buổi đào tạo thường xuyên học nghề tối đa bao nhiêu giờ?
Theo Điều 9 Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH quy định về thời gian và kế hoạch đào tạo như sau:
1. Thời gian đào tạo đối với các chương trình đào tạo thường xuyên quy định tại Thông tư này được thực hiện theo yêu cầu của từng chương trình đào tạo, gồm: thời gian thực học kiến thức nghề, kỹ năng mềm; thời gian thực học thực hành nghề; thời gian kiểm tra trước, trong quá trình đào tạo, kiểm tra kết thúc khóa học; trong đó thời gian thực học thực hành nghề tối thiểu chiếm 80% tổng thời gian khóa học.
2. Việc bố trí thời gian thực học được thực hiện linh hoạt trong ngày; trong tuần (ngày làm việc hoặc ngày thứ bảy, chủ nhật, ngày nghỉ) theo yêu cầu của học viên và được cụ thể trong kế hoạch đào tạo của từng khóa học, lớp học.
3. Thời gian học mỗi buổi tối đa là 05 (năm) giờ và thời gian học trong một ngày tối đa là 08 (tám) giờ.
4. Kế hoạch đào tạo của từng khóa học, lớp học được xây dựng linh hoạt, phù hợp với đối tượng học viên, đặc điểm của vùng, miền và phải bảo đảm thực hiện nội dung chương trình đào tạo. Nội dung của kế hoạch đào tạo thực hiện theo mẫu định dạng quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
Theo quy định trên, khi bạn tham gia chương trình đào tạo thường xuyên học nghề thì thời gian học mỗi buổi tối đa là 05 (năm) giờ và thời gian học trong một ngày tối đa là 08 (tám) giờ.
Lớp học thực hành nghề đào tạo thường xuyên có đông không?
Tại Điều 10 Thông tư 43/2015/TT-BLĐTBXH quy định về tổ chức lớp học và địa điểm đào tạo như sau:
1. Tổ chức lớp học
a) Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm tối đa 35 học viên. Lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật tối đa 20 học viên. Riêng lớp học kiến thức nghề, kỹ năng mềm dành cho người mù tối đa 10 học viên.
b) Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp tối đa 18 học viên. Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật, tối đa 10 học viên. Riêng lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người mù tối đa 8 học viên.
c) Mỗi lớp học có ít nhất một giáo viên hoặc người dạy nghề trực tiếp giảng dạy và phụ trách lớp.
2. Địa điểm đào tạo được thực hiện linh hoạt tại cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, nơi sản xuất, nhưng phải đảm bảo các điều kiện để dạy và học về mặt bằng, địa điểm học kiến thức nghề; địa điểm học thực hành kỹ năng nghề; phương tiện, thiết bị, nguyên nhiên vật liệu phục vụ đào tạo theo yêu cầu của mô - đun, môn học trong chương trình đào tạo.
Theo đó, lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp tối đa 18 học viên. Lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người dân tộc thiểu số ít người, người khuyết tật, tối đa 10 học viên. Riêng lớp học thực hành nghề hoặc học tích hợp đối với người mù tối đa 8 học viên.