Ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng cho con có được không? Nếu con đã bán đất, không thể trả lại thì xử lý như thế nào?

Ba mẹ yêu cầu con cái phụng dưỡng mình và sẽ tặng cho con mảnh đất, vậy bây giờ ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng có được không? Nếu con đã bán đất đó thì sẽ giải quyết thế nào?

Nội dung chính

    Ba mẹ cần đáp ứng đủ điều kiện về đất như thế nào để có thể tặng đất cho con?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:

    Điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất
    1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất, chuyển đổi đất nông nghiệp khi dồn điền, đổi thửa, tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước, cộng đồng dân cư và trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 124 và điểm a khoản 4 Điều 127 của Luật này;
    b) Đất không có tranh chấp hoặc tranh chấp đã được giải quyết bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, bản án, quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phán quyết của Trọng tài đã có hiệu lực pháp luật;
    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên, áp dụng biện pháp khác để bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự;
    d) Trong thời hạn sử dụng đất;
    đ) Quyền sử dụng đất không bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, ba mẹ chỉ được phép tặng đất cho con cái khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện pháp lý. Điều kiện bao gồm việc có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đất không có tranh chấp, quyền sử dụng đất không bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp khẩn cấp, và nằm trong thời hạn sử dụng đất.

    Các quy định này nhằm đảm bảo tính hợp pháp và minh bạch trong giao dịch đất đai, bảo vệ quyền lợi của cả người sử dụng đất và bên liên quan.

    Ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng cho con có được không? Nếu con đã bán đất, không thể trả lại thì xử lý như thế nào? (Ảnh từ Internet)Ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng cho con có được không? Nếu con đã bán đất, không thể trả lại thì xử lý như thế nào? (Ảnh từ Internet)

    Ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng cho con có được không?

    Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Tặng cho tài sản có điều kiện
    1. Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
    2. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
    3. Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

    Theo đó, khi đã tặng đất cho con, mà bây giờ ba mẹ muốn đòi lại đất đã tặng thì ba mẹ phải chứng minh được đây là hợp đồng tặng cho có điều kiện.

    Ví dụ: Điều kiện phụng dưỡng ba mẹ, chăm sóc ba mẹ đến già thì sẽ tặng cho con mảnh đất đỏ. Và sau khi tặng đất, con cái không chăm sóc ba mẹ.

    Nếu con cái không đáp ứng được điều kiện được ghi trên hợp đồng thì lúc này ba mẹ có quyền đòi lại đất đã tặng và yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 3 Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015.

    Hoặc căn cứ theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

    Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
    1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
    c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    Khi ba mẹ đã tặng cho con nhưng muốn đòi lại đất đã tặng, ngoài việc chứng minh rằng hợp đồng tặng cho có điều kiện và con không thực hiện đúng điều kiện đó, ba mẹ cũng có thể lập luận rằng hợp đồng tặng cho là vô hiệu. Theo quy định tại khoản 1 Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng dân sự (bao gồm hợp đồng tặng cho) chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện.

    Nếu một trong các điều kiện trên không được đáp ứng, thì hợp đồng sẽ bị coi là vô hiệu. Khi đó, theo quy định của pháp luật, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Cụ thể, người con phải trả lại quyền sử dụng đất cho ba mẹ, và ba mẹ trả lại những gì đã nhận từ con (nếu có).

    Nếu con đã bán đất, không thể trả lại thì xử lý như thế nào?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 131 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

    Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu
    1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
    2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
    Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
    3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
    4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
    5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.

    Nếu ba mẹ chứng minh được hợp đồng tặng cho đất là vô hiệu và đòi lại đất. Nhưng lúc này, người con đã bán, không còn khả năng hoàn trả quyền sử dụng đất, thì theo quy định pháp luật, người con sẽ phải hoàn trả giá trị bằng tiền tương ứng với giá trị của mảnh đất tại thời điểm xử lý tranh chấp.

    Trong trường hợp này, vì đất đã được chuyển nhượng cho bên thứ ba (người mua), quyền sử dụng đất đã không thể hoàn trả trực tiếp cho ba mẹ. Theo nguyên tắc khi hợp đồng bị vô hiệu, các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Do không thể trả lại đất, người con phải trả lại số tiền tương ứng với giá trị của mảnh đất đó. Giá trị này sẽ được xác định dựa trên giá trị thị trường của mảnh đất vào thời điểm giải quyết tranh chấp hoặc thời điểm chuyển nhượng đất cho bên thứ ba.

    276