Ai có trách nhiệm lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số?

Ai có trách nhiệm lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số? Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào?

Nội dung chính

    Ai có trách nhiệm lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số?

    Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 102/2024/NĐ-CP như sau:

    Điều 8. Hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số
    ...
    2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số
    a) Ủy ban nhân dân cấp xã rà soát và lập danh sách các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15 tháng 10 hằng năm;
    b) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức đo đạc, xác định diện tích và thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai, gồm các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai mà không còn nhu cầu sử dụng đất;
    c) Ủy ban nhân dân cấp huyện lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên cơ sở quỹ đất quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai. Nội dung phương án phải nêu rõ các trường hợp được hỗ trợ, diện tích hỗ trợ, hình thức hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số;
    d) Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương theo quy định tại khoản 5 Điều 16 Luật Đất đai.

    Theo đó, Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng có trách nhiệm trong việc hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số.

    Đối với trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện được quy định như sau:

    (1) Tổ chức đo đạc, xác định diện tích và thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Đất đai 2024 gồm các trường hợp vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Luật Đất đai 2024 mà không còn nhu cầu sử dụng đất.

    (2) Lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số trên cơ sở quỹ đất quy định tại khoản 4 Điều 16 Luật Đất đai 2024.

    (3) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định diện tích giao đất, cho thuê đất để thực hiện chính sách hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số phù hợp với tình hình thực tế và quỹ đất của địa phương.

    Như vậy, đối với việc lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

    Ai có trách nhiệm lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số? (Ảnh từ Internet)

    Ai có trách nhiệm lập phương án hỗ trợ đất đai đối với cá nhân là người dân tộc thiểu số? (Ảnh từ Internet)

    Nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai thông qua các cơ quan nào?

    Căn cứ taị Điều 14 Luật Đất đai 2024 có quy định về việc nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai.

    Theo đó, nhà nước thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan thông qua các cơ quan sau đây:

    - Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành luật, pháp lệnh, nghị quyết về đất đai; quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia; thực hiện quyền giám sát đối với việc quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi cả nước;

    - Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện quyền thông qua quy hoạch sử dụng đất của địa phương mình trước khi trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; thông qua việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng của địa phương theo thẩm quyền; thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024; quyết định bảng giá đất; giám sát việc thi hành pháp luật về đất đai tại địa phương;

    - Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai theo thẩm quyền quy định của Luật Đất đai 2024 và luật khác có liên quan.

    Công dân có được tiếp cận thông tin về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất không?

    Căn cứ theo quy định tại Điều 24 Luật Đất đai 2024 như sau:

    Quyền tiếp cận thông tin đất đai
    1. Công dân được tiếp cận các thông tin đất đai sau đây:
    a) Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
    b) Kết quả thống kê, kiểm kê đất đai;
    c) Giao đất, cho thuê đất;
    d) Bảng giá đất đã được công bố;
    đ) Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
    e) Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
    g) Thủ tục hành chính về đất đai;
    h) Văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
    i) Các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật.
    2. Việc tiếp cận thông tin đất đai thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về tiếp cận thông tin và quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Như vậy, thông tin về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt là một trong những thông tin đất đai mà công dân được quyền tiếp cận.

    61