16:09 - 09/11/2024

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có chấm dứt không nếu cá nhân góp vốn chết?

Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có chấm dứt không nếu cá nhân góp vốn chết? Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có được để thừa kế khi cá nhân góp vốn chết không? Để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng những điều kiện nào? Hiện nay, pháp luật cho phép cá nhân góp vốn vào các doanh nghiệp các tài sản khác ngoài tiền như đất đai, nhà cửa. Vậy, trường hợp người góp vốn bằng quyền sử dụng đất chết thì việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có chấm dứt không? Nếu không chấm dứt thì có được để thừa kế không?

Nội dung chính

    Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất có chấm dứt không nếu cá nhân góp vốn chết?

    Tại khoản 3 Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

    3. Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

    a) Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;

    b) Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;

    c) Bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;

    d) Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;

    đ) Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;

    e) Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.

    Như vậy, trường hợp người góp vốn bằng quyền sử dụng đất chết thì việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt theo quy định của pháp luật.

    Hình từ Internet

    Góp vốn bằng quyền sử dụng đất có được để thừa kế khi cá nhân góp vốn chết không?

    Tại khoản 4 Điều 80 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 52 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất như sau:

    4. Việc xử lý quyền sử dụng đất khi chấm dứt việc góp vốn được quy định như sau:

    a) Trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do thỏa thuận của các bên về chấm dứt việc góp vốn thì bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn còn lại.

    Trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất và sau đó nhà đầu tư làm thủ tục đăng ký hoặc xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì khi hết thời hạn góp vốn, quyền và nghĩa vụ có liên quan giữa bên góp vốn và bên nhận góp vốn thực hiện theo thỏa thuận của các bên theo quy định của pháp luật; trường hợp thời hạn sử dụng đất đã hết và bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất.

    b) Trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất đó;

    c) Trường hợp bên nhận góp vốn hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức bị phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân.

    Người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quyết định của Tòa án nhân dân thì được tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn sử dụng đất còn lại và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

    Trường hợp không có người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì Nhà nước thu hồi đất và tài sản đó;

    d) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được để thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;

    đ) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị tuyên bố là đã chết, đã chết hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự;

    e) Trường hợp doanh nghiệp liên doanh giải thể hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức giải thể thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    Theo đó, đối với trường hợp cá nhân góp vốn bằng quyền sử dụng đất chết thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được để thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế.

    Để góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì phải đáp ứng những điều kiện nào?

    Tại Điều 188 Luật đất đai 2013 quy định về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất như sau:

    1. Người sử dụng đất được thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

    a) Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;

    b) Đất không có tranh chấp;

    c) Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;

    d) Trong thời hạn sử dụng đất.

    2. Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này, người sử dụng đất khi thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; quyền thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn phải có đủ điều kiện theo quy định tại các điều 189, 190, 191, 192, 193 và 194 của Luật này.

    3. Việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.

    Trên đây là các điều kiện cần phải đảm bảo để người sử dụng đất được quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

    Trân trọng!

    30