Người nước ngoài có được góp vốn vào công ty cổ phần tại Việt Nam không?
Nội dung chính
Người nước ngoài có được góp vốn vào công ty cổ phần tại Việt Nam không?
Căn cứ theo Điều 46 Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật Đầu tư có quy định về thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài như sau:” Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.”
Như vậy, người nước ngoài có quyền đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong Công ty cổ phần mà không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tuy nhiên, mặc dù không thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nhưng đối với trường hợp Công ty cổ phần có Cổ đông được quy định tại Điều 26 Luật đầu tư 2014, phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn tại Sở kế hoạch và đầu tư:
+ Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài;
+ Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
- Hồ sơ đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp:
+ Văn bản đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp gồm những nội dung: thông tin về tổ chức kinh tế mà nhà đầu tư nước ngoài dự kiến góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài sau khi góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế;
+ Bản sao chứng minh nhân dân, thẻ căn cước hoặc hộ chiếu đối với nhà đầu tư là cá nhân; bản sao Giấy chứng nhận thành lập hoặc tài liệu tương đương khác xác nhận tư cách pháp lý đối với nhà đầu tư là tổ chức.
Sau đây là một số điểm cần lưu ý khi Công ty cổ phần có cổ đông là người nước ngoài:
Thứ nhất, về mức góp vốn, mua cổ phần:
Hiện nay, việc nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần được thực hiện theo Quyết định 88/2009/QĐ-TTg ngày 18/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam; Tại Điều 3 quy định về mức góp vốn, mua cổ phần cụ thể như sau:
- Nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của các công ty đại chúng theo tỷ lệ quy định của pháp luật về chứng khoán và các văn bản hướng dẫn liên quan.
- Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực, ngành nghề thuộc pháp luật chuyên ngành theo tỷ lệ quy định của pháp luật chuyên ngành đó.
- Tỷ lệ góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh thương mại dịch vụ tuân theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
- Đối với doanh nghiệp Việt Nam hoạt động đa ngành nghề, đa lĩnh vực, bao gồm cả một số ngành nghề, lĩnh vực có quy định khác nhau về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thì nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần không quá mức của ngành nghề, lĩnh vực có quy định tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài thấp nhất.
- Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần theo tỷ lệ tại phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nhưng không vượt mức quy định nếu doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động trong các lĩnh vực thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2, 3, 4 Điều này.
- Ngoài các trường hợp nêu trên, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam với mức không hạn chế.
Thứ hai, về điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần:
Điều kiện để nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần được quy định tại Điều 6, Quyết định 88/2009/QĐ-TTg có hiệu lực ngày 15/08/2009 về việc ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam như sau:” Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:
- Có tài khoản cá nhân mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác có liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này.
- Bản sao hộ chiếu còn giá trị;
- Các điều kiện khác quy định trong điều lệ của doanh nghiệp mà nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.
Điều này được hướng dẫn tại Điều 5 về điều kiện tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam (áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài không tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam) của Thông tư 131/2010/TT-BTChướng dẫn thực hiện quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam như sau: Đối với nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân:
- Có tài khoản vốn đầu tư mở tại ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần, chuyển nhượng vốn góp, thu và sử dụng cổ tức, lợi nhuận được chia, chuyển tiền ra nước ngoài và các hoạt động khác liên quan đến đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam đều thông qua tài khoản này. Việc mở, đóng, sử dụng và quản lý tài khoản vốn đầu tư phải phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
- Có các tài liệu sau:
+ Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.
+ Trường hợp ủy quyền cho đại diện tại Việt Nam: có thêm bản sao hợp lệ văn bản về việc ủy quyền của cá nhân nước ngoài cho đại diện tại Việt Nam, bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức đại diện tại Việt Nam (trường hợp đại diện là tổ chức) và tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch.
- Tài liệu liên quan đến người trực tiếp thực hiện giao dịch là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam:
a) Phiếu thông tin về người trực tiếp thực hiện giao dịch có chứng thực và được hợp pháp hoá lãnh sự, bao gồm các nội dung:
- Liên quan đến sơ yếu lý lịch: tên, tuổi, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở tại Việt Nam, nơi ở tại nước ngoài, địa chỉ liên lạc, số điện thoại liên lạc, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị công tác, vị trí và chức vụ tại đơn vị công tác ....
- Phạm vi công việc, quyền hạn và trách nhiệm được giao của người trực tiếp thực hiện giao dịch và những số nội dung khác có liên quan.
b) Lý lịch tư pháp (đã được chứng thực và hợp pháp hoá lãnh sự) và bản sao hợp lệ hộ chiếu còn giá trị.
- Ngoài việc đảm bảo các điều kiện trên, nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo thực hiện đầy đủ:
+ Các điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài khi góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề.
+ Các điều kiện khác (nếu có) quy định trong điều lệ doanh nghiệp Việt Nam mà nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần và bảo đảm không trái với quy định của pháp luật.
Thứ ba, trường hợp thay đổi đối với cổ đồng là người nước ngoài, doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh thay đổi cổ đông sáng lập đối với công ty cổ phần và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, trừ trường hợp đối với công ty niêm yết. Điều này được quy định tại Điều 32, luật Doanh nghiệp năm 2014 như sau:”
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi.
- Công ty phải thông báo bằng văn bản đến Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty đặt trụ sở chính trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thay đổi đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty. Thông báo phải có nội dung sau đây:
+ Tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính;
+ Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài chuyển nhượng cổ phần: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông nước ngoài là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ của cổ đông là cá nhân; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện có của họ trong công ty; số cổ phần và loại cổ phần chuyển nhượng;
+ Đối với cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài nhận chuyển nhượng: tên, địa chỉ trụ sở chính của cổ đông nước ngoài là tổ chức; họ, tên, quốc tịch, địa chỉ của cổ đông là cá nhân; số cổ phần và loại cổ phần nhận chuyển nhượng; số cổ phần, loại cổ phần và tỷ lệ sở hữu cổ phần tương ứng của họ trong công ty;
+ Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty.
Như vậy, với những căn cứ pháp luật mà chúng tôi đã viện dẫn trên, bạn có thể tham khảo và thực hiện để đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.