11:08 - 02/10/2024

Việc đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 quy định thế nào?

Xin được hỏi tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 thì việc đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi) quy định ra sao?

Nội dung chính

    Việc đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 quy định thế nào?

    Căn cứ Mục 1 Nghị quyết 152/NQ-CP quy định việc đề nghị xây dựng Luật giá (sửa đổi) tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 11 năm 2021 như sau:

    Chính phủ cơ bản thống nhất về sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật giá. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Thành viên Chính phủ, hoàn thiện nội dung các chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật theo hướng:

    - Tăng cường phân công, phân cấp và cá thể hóa trách nhiệm trong công tác quản lý, điều hành giá, cần phân định rõ trách nhiệm quản lý, giám sát về giá giữa Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương, giữa Bộ Tài chính với các bộ và địa phương; hoàn thiện các chính sách bảo đảm xử lý hài hòa mối quan hệ giữa thị trường với quản lý, điều tiết của Nhà nước về giá; tôn trọng quy luật cung - cầu, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp.

    - Hoàn thiện chính sách về Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, bình ổn giá theo hướng phân cấp cho Chính phủ, vừa bảo đảm chặt chẽ, vừa linh hoạt, phù hợp với thực tế quản lý, điều hành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng thời kỳ. Chính sách về bình ổn giá cần khắc phục được những hạn chế hiện nay, tạo công cụ pháp lý đầy đủ, hiệu quả cho công tác kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội và phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá.

    - Cần phân định thẩm quyền quản lý nhà nước về giá, hướng dẫn, ban hành phương pháp định giá, xử lý được những khó khăn, vướng mắc hiện nay trong quản lý giá chuyên ngành của các bộ, cơ quan, đảm bảo tính khả thi theo hướng: Bộ Tài chính giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giá; chịu trách nhiệm ban hành phương pháp định giá chung đảm bảo áp dụng chung; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn áp dụng phương pháp định giá chung có tính chất chuyên ngành trên cơ sở đề xuất từ các bộ, ngành; các bộ, ngành chủ trì xây dựng các phương pháp định giá có tính đặc thù cần phải có phương pháp chuyên ngành riêng.

    - Các chính sách về thẩm định giá nhà nước, quản lý doanh nghiệp thẩm định giá, thẩm định viên về giá cần ngăn chặn, xử lý được tình trạng thông đồng trong thẩm định giá, quản lý chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lãng phí tài sản nhà nước trong thẩm định giá, bảo đảm tính công khai, minh bạch và khả thi.

    - Hoàn thiện chính sách về biện pháp kê khai giá là biện pháp quản lý, theo dõi, năm bắt thông tin hiệu quả về giá; tiếp tục đổi mới về quy trình, thủ tục quản lý, giám sát việc niêm yết giá, công khai thông tin về giá, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật.

    - Hoàn thiện, bổ sung lập luận và giải trình thuyết phục các đề xuất chính sách và Báo cáo đánh giá tác động, bảo đảm các chính sách có tính khả thi, khắc phục được những tồn tại, hạn chế và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về giá.

    Giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Tư pháp hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

    5