Tùy ý cắt điện của người dân thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Trường hợp nào thì công ty điện lực được quyền cắt điện sinh hoạt của người dân?
Nội dung chính
Bên điện lực tùy ý cắt điện của người dân thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền?
Căn cứ điểm b khoản 7 Điều 11 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 14 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Vi phạm các quy định về bán lẻ điện
...
7. Phạt tiền Đơn vị bán lẻ điện từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Bán sai giá điện do cơ quan có thẩm quyền quy định;
b) Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành.
Đồng thời, căn cứ điểm đ khoản 4 Điều 9 Nghị định 134/2013/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 12 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP) có quy định như sau:
Vi phạm các quy định về phân phối điện
...
4. Phạt tiền Đơn vị phân phối điện từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
...
đ) Thực hiện không đúng quyền hạn về ngừng, giảm mức cung cấp điện; không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo theo Quy định về trình tự ngừng, giảm mức cung cấp điện do Bộ Công Thương ban hành;
Theo như các quy định sau tùy vào các hành vi vi phạm mà đơn vị phân phối điện sinh hoạt sẽ bị phạt mức xử phạt hành chính như sau:
- Phạt từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi đơn vị bán lẻ điện cắt điện sinh hoạt của người dân mà không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo
- Xử phạt từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi Đơn vị phân phối điện sinh hoạt của người dân không thông báo hoặc thực hiện không đúng nội dung thông báo
Lưu ý, các mức xử phạt hành chính nêu trên chỉ áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Trường hợp tổ chức vi phạm thì mức xử phạt hành chính gấp 02 lần cá nhân.
Bên điện lực tùy ý cắt điện của người dân thì bị xử phạt hành chính bao nhiêu tiền? Trường hợp nào thì công ty điện lực được quyền cắt điện sinh hoạt của người dân? (Hình từ Internet)
Trường hợp nào thì công ty điện lực được quyền cắt điện sinh hoạt của người dân?
Căn cứ vào Điều 14 Nghị định 137/2013/NĐ-CP có quy định như sau:
Ngừng, giảm mức cung cấp điện
1. Bên bán điện được ngừng, giảm mức cung cấp điện trong các trường hợp sau:
a) Ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện theo quy định tại Điều 27 Luật điện lực;
b) Bên mua điện có hành vi vi phạm quy định tại các Khoản 1, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều 7 Luật điện lực;
c) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật điện lực, Luật xây dựng, pháp luật về bảo vệ môi trường.
Đồng thời, căn cứ khoản 4 Điều 27 Luật Điện lực 2004 quy định như sau:
Ngừng, giảm mức cung cấp điện
...
4. Trường hợp bên mua điện không thực hiện đúng các quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 46, điểm b và điểm c khoản 2 Điều 47 của Luật này thì bên bán điện có quyền ngừng cấp điện cho bên mua điện.
Theo đó, người dân có những hành vi sau đây thì công ty điện lực có quyền cắt điện sinh hoạt:
- Không thanh toán tiền điện đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện các thoả thuận khác trong hợp đồng mua bán điện;
- Không sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện các quy định về quản lý nhu cầu sử dụng điện;
- Không thực hiện chế độ sử dụng điện theo yêu cầu của đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia, biện pháp bảo đảm tiêu chuẩn điện áp, an toàn điện và nội dung khác đã được thoả thuận trong hợp đồng mua bán điện, truyền tải điện;
- Không bảo đảm trang thiết bị sử dụng điện, trang thiết bị đấu nối đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và yêu cầu về an toàn điện để đấu nối vào lưới điện truyền tải quốc gia;
- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực;
- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện;
- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện;
- Trộm cắp điện;
- Dùng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ trừ trường hợp được Nhà nước cấp phép sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp;
- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
Các hành vi nào bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện?
Căn cứ vào Điều 7 Luật Điện lực 2004 quy định hành vi nào bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện lực như sau:
- Phá hoại các trang thiết bị điện, thiết bị đo đếm điện và công trình điện lực.
- Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
- Đóng, cắt điện trái quy định của pháp luật.
- Vi phạm các quy định về an toàn trong phát điện, truyền tải điện, phân phối điện và sử dụng điện.
- Cản trở việc kiểm tra hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Trộm cắp điện.
- Sử dụng điện để bẫy, bắt động vật hoặc làm phương tiện bảo vệ, trừ trường hợp được quy định tại Điều 59 Luật điện lực 2004
- Vi phạm các quy định về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, khoảng cách an toàn của đường dây và trạm điện.
- Cung cấp thông tin không trung thực làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để gây sách nhiễu, phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
- Các hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về điện lực.