05:45 - 30/09/2024

Trách nhiệm ban hành danh mục bí mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 được quy định như thế nào?

Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan như thế nào?

Nội dung chính

    Trách nhiệm ban hành danh mục bí mật nhà nước theo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 được quy định như thế nào?

    Theo quy định tại Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 (có hiệu lực thi hành từ 01/07/2020) thì trách nhiệm ban hành danh mục bí mật nhà nước được quy định cụ thể như sau:

     Căn cứ vào quy định tại Điều 7 và Điều 8 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục bí mật nhà nước.

     Người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước bao gồm:

    - Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý;

    - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng lập danh mục bí mật nhà nước của Đảng;

    - Người đứng đầu cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội lập danh mục bí mật nhà nước của tổ chức chính trị - xã hội;

    - Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội lập danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;

    - Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước lập danh mục bí mật nhà nước của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước;

    - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước lập danh mục bí mật nhà nước của ngành, lĩnh vực quản lý.

    Người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 2 Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 có trách nhiệm gửi hồ sơ đến Bộ Công an để thẩm định, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018.

    Hồ sơ gửi Bộ Công an bao gồm văn bản trình Thủ tướng Chính phủ; dự thảo quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước; báo cáo tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan; bản sao ý kiến tham gia.

    Văn bản thẩm định của Bộ Công an phải gửi đến người có trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước chậm nhất 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

    Sau khi có văn bản thẩm định của Bộ Công an, người lập danh mục bí mật nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Bảo vệ bí mật nhà nước 2018 có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước.

    Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước thuộc phạm vi quản lý.


    2