16:34 - 18/11/2024

Tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật không?

Tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá không? Phạm nhân bị kết án phạt tù vì tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá vào dịp lễ 30 tháng 4 hay không?

Nội dung chính

    Tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật không?

    Đặc xá là một chính sách nhân đạo, thể hiện sự khoan hồng của Nhà nước đối với những người phạm tội có quá trình cải tạo tốt. Việc thực hiện đặc xá phải tuân thủ những nguyên tắc và quy trình chặt chẽ để đảm bảo quyền lợi của người được đặc xá, đồng thời bảo vệ trật tự xã hội.

    Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật có một số trường hợp đặc biệt sẽ không được thực hiện đề nghị đặc xá.

    Theo quy định tại Điều 12 Luật Đặc xá 2018, người có đủ điều kiện quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá 2018 này không được đề nghị đặc xá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    Các trường hợp không được đề nghị đặc xá
    1. Bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại Chương các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự;
    2. Bản án, phần bản án hoặc quyết định của Tòa án đối với người đó đang bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo hướng tăng nặng trách nhiệm hình sự;
    3. Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác;
    4. Trước đó đã được đặc xá;
    5. Có từ 02 tiền án trở lên;
    6. Trường hợp khác do Chủ tịch nước quyết định.

    Tội phản bội Tổ quốc là hành vi xâm phạm đến độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tiềm lực quốc phòng, an ninh.

    Người có hành vi phản bội Tổ quốc thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội phản bội Tổ quốc và có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

    Do vậy, phạm nhân bị kết án phạt tù vì tội phản bội Tổ quốc không thuộc trường hợp được đề nghị đặc xá vào các dịp lễ lớn của đất nước.

    Tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật không?

    Tội phản bội Tổ quốc có được đề nghị đặc xá theo quy định của pháp luật không? (Hình từ internet)

    Nguyên tắc thực hiện đặc xá là gì?

    Theo khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 quy định: Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.

    Nguyên tắc cơ bản trong việc thực hiện đặc xá tại Việt Nam căn cứ theo Điều 4 Luật Đặc xá 2018 bao gồm:

    - Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật; bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

    - Bảo đảm dân chủ, công bằng, khách quan, công khai, minh bạch.

    - Bảo đảm yêu cầu về đối nội, đối ngoại, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

    Bên cạnh đó, theo Điều 6 Luật Đặc xá 2018 Nhà nước động viên, khuyến khích người bị kết án phạt tù ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để được hưởng đặc xá;

    Tạo điều kiện thuận lợi cho người được đặc xá hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội, phòng ngừa tái phạm tội, vi phạm pháp luật.

    Phạm nhân được đặc xá vào các ngày lễ lớn nào trong năm?

    Căn cứ Điều 5 Luật Đặc xá 2018 quy định về thời điểm đặc xá như sau:

    (1) Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.

    (2) Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại (1).

    Các ngày lễ lớn trong nước tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP quy định bao gồm:

    - Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).

    - Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).

    - Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).

    - Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).

    - Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).

    - Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).

    - Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).

    Như vậy, đặc xá được thực hiện định kỳ vào một số dịp đặc biệt, phổ biến nhất là vào dịp Ngày Quốc khánh 2/9 hoặc các ngày lễ lớn của đất nước. Thông thường, đặc xá không được thực hiện nhiều lần trong năm, mà chỉ vào các dịp quan trọng.

    4