16:45 - 18/11/2024

Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là gì?

Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là gì? Trang phục, thẻ công chức, chế độ đối với công chức thanh tra chuyên ngành được quy định như thế nào? Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất được quy định ra sao? Thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành bao lâu?

Nội dung chính

    1. Tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là gì?

    Tại Điều 12 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về tiêu chuẩn của người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành như sau:

    1. Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là công chức thuộc biên chế của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (sau đây gọi là công chức thanh tra chuyên ngành) có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của ngạch công chức đang giữ và các tiêu chuẩn cụ thể sau đây:

    a) Am hiểu pháp luật, có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành;

    b) Có nghiệp vụ thanh tra;

    c) Có ít nhất 01 năm làm công tác chuyên môn trong lĩnh vực được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành (không kể thời gian tập sự).

    2. Tiêu chuẩn cụ thể của công chức thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ban hành.

    2. Trang phục, thẻ công chức, chế độ đối với công chức thanh tra chuyên ngành được quy định như thế nào?

    Tại Điều 13 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về trang phục, thẻ công chức, chế độ đối với công chức thanh tra chuyên ngành như sau:

    1. Công chức thanh tra chuyên ngành có trang phục, thẻ công chức và được hưởng chế độ bồi dưỡng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

    Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chế độ bồi dưỡng đối với công chức thanh tra chuyên ngành.

    2. Trang phục và thẻ công chức thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định.

    3. Thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất được quy định ra sao?

    Tại Điều 14 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch như sau:

    1. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở, Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

    2. Đối với những vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở ra quyết định thanh tra và thành lập Đoàn thanh tra.

    Tại Điều 15 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về thẩm quyền ra quyết định thanh tra chuyên ngành đột xuất như sau:

    1. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc phòng, chống tham nhũng hoặc theo yêu cầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chánh Thanh tra bộ, Giám đốc sở, Chánh Thanh tra sở.

    2. Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở ra quyết định thanh tra đột xuất, thành lập Đoàn thanh tra và gửi quyết định thanh tra đột xuất để báo cáo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Giám đốc sở. Trường hợp người ra quyết định thanh tra là Tổng cục trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Chi cục trưởng thuộc Sở thì quyết định thanh tra đột xuất được gửi để báo cáo Chánh Thanh tra bộ, Chánh Thanh tra sở.

    3. Đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến trách nhiệm quản lý của nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước ra quyết định thanh tra đột xuất và thành lập Đoàn thanh tra.

    4. Thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành bao lâu?

    Tại Điều 16 Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về thời hạn thanh tra của Đoàn thanh tra chuyên ngành như sau:

    1. Thời hạn thực hiện một cuộc thanh tra chuyên ngành được quy định như sau:

    a) Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra bộ, Tổng cục, Cục thuộc Bộ tiến hành không quá 45 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày;

    b) Cuộc thanh tra chuyên ngành do Thanh tra sở, Chi cục thuộc Sở tiến hành không quá 30 ngày; trường hợp phức tạp có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 45 ngày.

    2. Thời hạn của cuộc thanh tra được tính từ ngày công bố quyết định thanh tra đến ngày kết thúc việc thanh tra tại nơi được thanh tra.

    3. Việc kéo dài thời hạn thanh tra do người ra quyết định thanh tra chuyên ngành quyết định.

    7