Tiêu chí phân loại đánh giá công chức đối với Thẩm phán ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là gì?
Nội dung chính
Công chức Tòa án nhân dân được đánh giá dựa trên nội dung nào?
Căn cứ tại Điều 12 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2019 quy định nội dung đánh giá công chức Tòa án nhân dân như sau:
Nội dung đánh giá công chức
1. Công chức được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
b) Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc;
c) Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ;
d) Tiến độ và kết quả thực hiện nhiệm vụ;
đ) Tinh thần trách nhiệm và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ;
e) Thái độ phục vụ nhân dân.
2. Ngoài những quy định tại khoản 1 Điều này, công chức lãnh đạo, quản lý còn được đánh giá theo các nội dung sau đây:
a) Khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 04/8/2017 của Ban Chấp hành Trung ương;
b) Kết quả hoạt động của đơn vị được giao lãnh đạo, quản lý;
c) Năng lực lãnh đạo, quản lý;
d) Năng lực tập hợp, đoàn kết công chức.
Theo đó, công chức Tòa án nhân dân được đánh giá dựa trên nội dung nêu trên.
Tiêu chí phân loại đánh giá công chức đối với Thẩm phán ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là gì? (Hình từ Internet)
Tiêu chí phân loại đánh giá công chức đối với Thẩm phán ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là gì?
Căn cứ tại Điều 13 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2019 quy định tiêu chí phân loại đánh giá công chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ như sau:
- Công chức không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý đạt được tất cả các tiêu chí sau đây thì phân loại đánh giá ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:
+ Luôn gương mẫu, chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước;
+ Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; có lối sống lành mạnh, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong đơn vị; tận tụy, có tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao;
+ Có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả với đồng nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ;
+ Có tinh thần chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao;
+ Có thái độ đúng mực và xử sự văn hóa trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thực hiện tốt việc phòng, chống các hành vi cửa quyền, hách dịch, gây khó khăn, phiền hà, tiêu cực, tham nhũng, tham ô, lãng phí.
+ Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch công tác năm, đảm bảo tiến độ, có chất lượng và hiệu quả.
Trong đó, công chức giữ chức danh tư pháp đảm bảo các tiêu chuẩn sau:
Đối với Thẩm phán: Không có bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan và không có một trong các hành vi sau:
- Xử lý đơn khởi kiện để quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
- Xử lý đơn yêu cầu giải quyết vụ, việc dân sự để quá thời hạn theo quy định của pháp luật;
- Thụ lý vụ, việc chậm theo quy định của pháp luật;
- Trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự không đúng quy định của pháp luật, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoặc gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án nhân dân.
- Để vụ, việc quá thời hạn thời hạn chuẩn bị xét xử, thời hạn chuẩn bị xét đơn yêu cầu theo quy định của pháp luật nhưng không có lý do chính đáng.
- Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng quy định của pháp luật hoặc không ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật.
- Ra bản án, quyết định, sau khi được công bố trên Cổng thông tin điện tử Tòa án có nhiều sai sót bị phát hiện, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của Tòa án nhân dân.
- Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án theo quy định của Nghị quyết 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16/3/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
- Chậm ra bản án, cấp trích lục, giao hoặc gửi bản án không đúng quy định của pháp luật.
- Ra quyết định tạm đình chỉ xét xử, giải quyết vụ, việc không có căn cứ theo quy định của pháp luật.
- Ra bản án xử phạt 01 bị cáo hình phạt tù cho hưởng án treo, cảnh cáo, phạt tiền (hình phạt chính), cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật.
Kết quả đánh giá công chức Tòa án nhân dân được sử dụng như thế nào?
Căn cứ tại Điều 10 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 01/QĐ-TANDTC năm 2019 quy định về việc sử dụng kết quả đánh giá công chức, viên chức, người lao động như sau:
- Kết quả đánh giá, phân loại công chức được sử dụng làm căn cứ để bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, cho thôi việc và thực hiện chính sách đối với công chức.
- Kết quả đánh giá, phân loại viên chức được sử dụng để làm căn cứ tiếp tục ký hợp đồng làm việc, bố trí, sử dụng, nâng ngạch chức danh nghề nghiệp, quy hoạch bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức.
- Kết quả đánh giá, phân loại người lao động được sử dụng để làm căn cứ tiếp tục ký hợp đồng làm việc, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.
- Kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức, người lao động được sử dụng làm cơ sở tham khảo trong đánh giá, phân loại đảng viên, đoàn viên công đoàn, Đoàn viên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.