Tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở đối với cá nhân là bao nhiêu?
Nội dung chính
Số tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở đối với cá nhân là bao nhiêu?
Tại điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định:
Thu tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất
...
2. Đối với hộ gia đình, cá nhân:
a) Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
b) Chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở thì thu tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
...
Theo quy định trên, khi chuyển từ đất trồng cây hàng năm sang đất ở tiền sử dụng đất mà cá nhân phải nộp là khoản tiền chênh lệch giữa hai loại đất này, cụ thể theo công chức sau:
Tiền sử dụng đất = Tiền sử dụng theo giá đất ở – Tiền sử dụng theo giá đất nông nghiệp
Ngoài ra, theo điểm đ khoản 2 Điều 5 Thông tư 85/2019/TT-BTC còn các loại phí khác như lệ phí cấp giấy chứng nhận, lệ phí chứng nhận đăng ký biến động đất đai, trích lục bản đồ địa chính, văn bản, số liệu hồ sơ địa chính căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội tại địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí phù hợp.
Mức thu đối với cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương, phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh cao hơn mức thu tại các khu vực khác; mức thu đối với tổ chức cao hơn mức thu đối với cá nhân.
Tiền sử dụng đất phải nộp khi chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở đối với cá nhân là bao nhiêu? (Hình từ Internet)
Căn cứ cho phép chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở là gì?
Tại Điều 52 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
2. Nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong dự án đầu tư, đơn xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Theo quy định trên, căn cứ cho phép chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở dựa trên kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất trong đơn xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Cơ quan nào cho phép cá nhân chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở?
Theo điểm a khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai 2013 quy định về phân loại đất như sau:
Phân loại đất
Căn cứ vào mục đích sử dụng, đất đai được phân loại như sau:
1. Nhóm đất nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác;
...
2. Nhóm đất phi nông nghiệp bao gồm các loại đất sau đây:
a) Đất ở gồm đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị;
...
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013 quy định như sau:
Chuyển mục đích sử dụng đất
1. Các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm:
...
d) Chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp;
...
Theo đó, khi chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây hàng năm thuộc nhóm đất nông nghiệp sang đất ở (đất phi nông nghiệp) phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Căn cứ quy định tại Điều 59 Luật Đất đai 2013 quy định thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
Thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức;
b) Giao đất đối với cơ sở tôn giáo;
c) Giao đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại khoản 3 Điều 55 của Luật này;
d) Cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 56 của Luật này;
đ) Cho thuê đất đối với tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:
a) Giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân. Trường hợp cho hộ gia đình, cá nhân thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ với diện tích từ 0,5 héc ta trở lên thì phải có văn bản chấp thuận của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước khi quyết định;
b) Giao đất đối với cộng đồng dân cư.
3. Ủy ban nhân dân cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn.
4. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được ủy quyền.
Như vậy, cơ quan cho phép chuyển đổi đất trồng cây hàng năm sang đất ở như sau:
- UBND cấp tỉnh quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức.
- UBND cấp huyện quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Trân trọng!