Thời gian lao động của người cai nghiện là bao nhiêu giờ trong một ngày?
Nội dung chính
Con trai tôi (đã 22 tuổi) do sử dụng ma túy nên đã bị đưa vào cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc. Vậy, thời gian lao động của con tôi là bao nhiêu giờ trong một ngày? Và tôi có thể thăm con trai tôi bao nhiêu lần một tháng?
1. Thời gian lao động của người cai nghiện là bao nhiêu giờ trong một ngày?
Tại Điều 68 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chế độ lao động, lao động trị liệu, như sau:
1. Thời gian lao động, lao động trị liệu của người cai nghiện ma túy không quá 08 giờ trong một ngày và không quá 48 giờ trong một tuần.
2. Trường hợp cơ sở cai nghiện tổ chức lao động hoặc phối hợp với người sử dụng lao động để tổ chức lao động thì phải đảm bảo thực hiện theo quy định của pháp luật lao động; người cai nghiện phải đăng ký với cơ sở cai nghiện và được hưởng thành quả của lao động theo quy định.
Theo quy định này thì con trai của bạn đang thực hiện cai nghiện trong cơ sở cai nghiện ma túy thì thời gian lao động của con bạn không quá 08 giờ trong một ngày.
2. Trong cơ sở cai nghiện thì có thể thăm người thân bao nhiêu lần một tháng?
Căn cứ Điều 69 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định chế độ thăm gặp người thân, nhận, gửi thư, nhận tiền, quà của người cai nghiện, theo đó:
1. Người cai nghiện được thăm gặp người thân tại phòng thăm gặp của cơ sở cai nghiện bắt buộc, một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ và tối đa không quá 03 thân nhân. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
Người cai nghiện có vợ hoặc chồng, được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc xem xét, cho phép thăm gặp tại phòng riêng của cơ sở cai nghiện bắt buộc một lần trong tháng và tối đa không quá 48 giờ cho một lần gặp. Căn cứ quy mô và điều kiện, cơ sở cai nghiện xây dựng, tổ chức phòng riêng để học viên thăm gặp vợ hoặc chồng.
2. Cơ sở cai nghiện xây dựng quy chế thăm gặp theo theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
3. Người cai nghiện được nhận và gửi thư, nhận tiền, quà (trừ rượu, bia, thuốc lá, các chất kích thích, đồ vật và các loại văn hóa phẩm bị cấm). Cơ sở cai nghiện có trách nhiệm kiểm tra thư và các loại quà trước khi trao cho người cai nghiện. Riêng tiền hoặc giấy tờ có giá, người cai nghiện phải gửi vào bộ phận lưu ký của cơ sở cai nghiện bắt buộc và được sử dụng theo quy chế của cơ sở cai nghiện.
Như vậy, căn cứ quy định nêu trên, bạn sẽ được thăm gặp con trai một tuần một lần, mỗi lần không quá 02 giờ. Trường hợp gặp lâu hơn phải được Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc đồng ý và tối đa không quá 04 giờ.
3. Thủ tục để người đang trong cơ sở cai nghiện thực hiện việc chịu tang gia đình như thế nào?
Theo Khoản 2 Điều 70 Nghị định 116/2021/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục giải quyết chế độ chịu tang, như sau:
a) Gia đình người cai nghiện làm đơn đề nghị cho người cai nghiện về chịu tang, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người cai nghiện cư trú gửi Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc. Nội dung đơn phải bao gồm các nội dung: họ tên, số căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, nơi cư trú, mối quan hệ với người cai nghiện, thời gian đề nghị cho người cai nghiện được về chịu tang và cam kết quản lý, giám sát không để người cai nghiện sử dụng ma túy trái phép hoặc có hành vi vi phạm pháp luật khác trong thời gian về chịu tang theo Mẫu số 48 Phụ lục II Nghị định này.
b) Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận đơn theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Giám đốc cơ sở cai nghiện có trách nhiệm xem xét, quyết định việc cho người cai nghiện về chịu tang.
Quyết định cho phép về chịu tang phải gồm các nội dung: họ tên, thời gian được về chịu tang; trách nhiệm của gia đình trong việc đón, đưa trả về cơ sở cai nghiện, quản lý người cai nghiện trong thời gian về chịu tang. Quyết định được gửi cho gia đình người cai nghiện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để phối hợp quản lý và lưu trong hồ sơ người cai nghiện theo Mẫu số 49 Phụ lục II Nghị định này.
Theo đó, khi gia đình có tang thì người đang trong cơ sở cai nghiện ma túy cần thực hiện theo thủ tục nêu trên để trở về nhà thực hiện việc chịu tang.
Trân trọng!