14:37 - 18/12/2024

Thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm nào? Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những loại nào?

Thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm nào? Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những loại nào?

Nội dung chính

    Thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm nào?

    Căn cứ tại khoản 6 Điều 8 Thông tư 219/2013/TT-BTC có quy định thời điểm nộp thuế GTGT như sau:

    Thời điểm xác định thuế GTGT
    ...
    4. Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
    5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
    6. Đối với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

    Như vậy, thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

    Thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm nào? Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những loại nào?

    Thời điểm nộp thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu là thời điểm nào? Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những loại nào?

    Thời hạn nộp thuế sau khi thông quan hàng hóa nhập khẩu là khi nào?

    Căn cứ tại Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019 có quy định thời hạn nộp thuế như sau:

    Thời hạn nộp thuế
    ...
    4. Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế, thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; trường hợp phát sinh số tiền thuế phải nộp sau khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa thì thời hạn nộp thuế phát sinh được thực hiện như sau:
    a) Thời hạn nộp thuế khai bổ sung, nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;
    b) Thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp; hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan; hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan được thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

    Như vậy, thời hạn nộp thuế khi phát sinh số tiền thuế phải nộp sau khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa nhập khẩu được xác định như sau:

    - Thời hạn nộp thuế khai bổ sung, nộp số tiền thuế ấn định được áp dụng theo thời hạn nộp thuế của tờ khai hải quan ban đầu;

    - Thời hạn nộp thuế thực hiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với:

    + Hàng hóa phải phân tích, giám định để xác định chính xác số tiền thuế phải nộp;

    + Hàng hóa chưa có giá chính thức tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan;

    + Hàng hóa có khoản thực thanh toán, hàng hóa có các khoản điều chỉnh cộng vào trị giá hải quan chưa xác định được tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.

    Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gồm những loại nào?

    Căn cứ tại điểm c khoản 4 Điều 8 Nghị định 126/2020/NĐ-CP có quy định các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế như sau:

    Các loại thuế khai theo tháng, khai theo quý, khai theo năm, khai theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế và khai quyết toán thuế
    ...
    4. Các loại thuế, khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước khai theo từng lần phát sinh, bao gồm:
    a) Thuế giá trị gia tăng của người nộp thuế theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định này hoặc người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo phương pháp trực tiếp trên giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng nhưng có phát sinh nghĩa vụ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
    b) Thuế tiêu thụ đặc biệt của người nộp thuế có kinh doanh xuất khẩu chưa nộp thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất sau đó không xuất khẩu mà bán trong nước. Thuế tiêu thụ đặc biệt của cơ sở kinh doanh mua xe ô tô, tàu bay, du thuyền sản xuất trong nước thuộc đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng sau đó chuyển mục đích sử dụng sang đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
    c) Thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bao gồm: Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế tự vệ, thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Trường hợp hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
    d) Thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, thuế đối với hàng hóa nhập khẩu gồm:

    - Thuế nhập khẩu,

    - Thuế tự vệ,

    - Thuế chống bán phá giá,

    - Thuế chống trợ cấp,

    - Thuế tiêu thụ đặc biệt,

    - Thuế bảo vệ môi trường,

    - Thuế giá trị gia tăng.

    Trường hợp hàng hóa nhập khẩu không phải khai theo từng lần phát sinh thì phải thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

    2