10:29 - 18/12/2024

Thế nào là khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm? Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì?

Khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm là gì? Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì?

Nội dung chính

    Ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì?

    Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-NHNN định nghĩa ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi cung ứng dịch vụ chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, chuyển tiền xử lý tài sản bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài.

    Theo đó, khoản 1 Điều 3 Thông tư 12/2022/TT-NHNN quy định khoản vay nước ngoài là cụm từ dùng chung để chỉ khoản vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (sau đây gọi là khoản vay tự vay, tự trả) và khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh dưới mọi hình thức vay nước ngoài thông qua hợp đồng vay, hợp đồng nhập khẩu hàng hóa trả chậm, hợp đồng ủy thác cho vay, hợp đồng cho thuê tài chính hoặc phát hành công cụ nợ trên thị trường quốc tế của bên đi vay.

    Khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm là gì? Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì?

    Thế nào là khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm? Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì? (Hình từ Internet)

    Khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm là gì?

    Căn cứ quy định tại Điều 38 Thông tư 12/2022/TT-NHNN về khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm như sau:

    Khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm
    1. Khoản nhận nợ (nếu có) giữa bên đi vay và bên bảo đảm là khoản nợ mà bên đi vay có nghĩa vụ hoàn trả cho bên bảo đảm sau khi bên bảo đảm đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo các thỏa thuận giữa bên đi vay, bên bảo đảm, bên cho vay liên quan đến khoản vay nước ngoài (sau đây gọi tắt là “khoản nhận nợ”).
    2. Khoản nhận nợ tối đa không vượt quá số tiền tương đương với nghĩa vụ nợ theo thỏa thuận vay nước ngoài đã được thực hiện thông qua thực thi các biện pháp bảo đảm.
    3. Trường hợp bên đi vay và bên bảo đảm là người cư trú có thỏa thuận về lãi, phí đối với khoản nhận nợ, nội dung thỏa thuận về lãi, phí đối với khoản nhận nợ phải phù hợp với quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự.
    4. Trường hợp bên đi vay và bên bảo đảm là người không cư trú có thỏa thuận về lãi, phí đối với khoản nhận nợ, tổng số tiền lãi, phí mà bên đi vay trả cho bên bảo đảm quy đổi theo tỷ lệ phần trăm hàng năm tính trên tổng số tiền khoản nhận nợ không vượt quá lãi suất áp dụng cho số tiền vay chậm thanh toán quy định tại thỏa thuận vay nước ngoài có biện pháp bảo đảm.
    5. Việc thỏa thuận đồng tiền nhận nợ và đồng tiền thanh toán khoản nhận nợ trên lãnh thổ phải phù hợp với quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

    Như vậy, có thể hiểu khoản nhận nợ giữa bên đi vay và bên bảo đảm là phần nợ mà bên đi vay phải hoàn trả cho bên bảo đảm (ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm) sau khi bên bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm cho khoản vay nước ngoài.

    Ngoài ra, việc hoàn trả khoản nợ bảo đảm của bên đi vay được quy định cụ thể tại Điều 39 Thông tư 12/2020/TT-NHNN như sau:

    Hoàn trả khoản nhận nợ
    1. Bên đi vay thực hiện hoàn trả khoản nhận nợ cho bên bảo đảm trên cơ sở xuất trình cho ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản:
    a) Thỏa thuận vay nước ngoài và các thỏa thuận bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài;
    b) Thỏa thuận của các bên về nghĩa vụ hoàn trả khoản nhận nợ của bên đi vay đối với bên bảo đảm;
    c) Chứng từ chứng minh việc bên bảo đảm đã thực hiện nghĩa vụ bảo đảm liên quan đến khoản vay nước ngoài (sao chứng từ chuyển tiền chứng minh bên bảo lãnh đã trả nợ thay cho bên đi vay, chứng từ chứng minh số tiền thực hiện nghĩa vụ bảo đảm đã chuyển qua ngân hàng phục vụ giao dịch bảo đảm, chứng từ chứng minh việc chuyển giao tài sản bảo đảm để thực hiện nghĩa vụ);
    d) Các chứng từ, tài liệu khác (nếu có) theo quy định của ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản.
    2. Việc hoàn trả khoản nhận nợ cho bên bảo đảm phải thực hiện thông qua tài khoản vay, trả nợ nước ngoài. Trường hợp đồng tiền thanh toán khoản nhận nợ khác với đồng tiền của tài khoản vay, trả nợ nước ngoài, bên đi vay có thể thực hiện thông qua một tài khoản khác mở tại cùng ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản của bên đi vay.

    Trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm là gì?

    Căn cứ quy định tại Điều 44 Thông tư 12/2022/TT-NHNN về trách nhiệm của ngân hàng cung ứng dịch vụ bảo đảm như sau:

    - Thực hiện việc cung ứng dịch vụ chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo quy định tại Thông tư này.

    - Kiểm tra, lưu giữ chứng từ khi cung ứng dịch vụ chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo quy định tại Thông tư này.

    - Cung cấp thông tin chính xác về việc chuyển tiền thực hiện nghĩa vụ bảo đảm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, bên đi vay, ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản của bên đi vay.

    240
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ