Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên thì việc xử lý vốn góp được quy định như thế nào?
Nội dung chính
Điều kiện để cá nhân trở thành thành viên quỹ tín dụng nhân dân là gì?
Căn cứ tại Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN (được sửa đổi bởi khoản 3 Điều 2 Thông tư 06/2017/TT-NHNN và khoản 17 Điều 2 Thông tư 21/2019/TT-NHNN) quy định như sau:
Đối với cá nhân:
- Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, thường trú hoặc đăng ký tạm trú trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Trường hợp đăng ký tạm trú, cá nhân phải có hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc là người lao động làm việc trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân và phải có tài liệu chứng minh về vấn đề này;
- Cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc tại các tổ chức, cơ quan có trụ sở chính đóng trên địa bàn hoạt động của quỹ tín dụng nhân dân. Thành viên của quỹ tín dụng nhân dân là cán bộ, công chức, viên chức không được giữ các chức danh Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị; Trưởng Ban và thành viên Ban kiểm soát; Giám đốc, Phó giám đốc; Kế toán trưởng và các chức danh chuyên môn nghiệp vụ trừ trường hợp được chỉ định
- Không thuộc các đối tượng sau đây:
+ Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, đang phải chấp hành bản án, quyết định về hình sự của tòa án; người đã bị kết án từ tội phạm nghiêm trọng trở lên mà chưa được xóa án tích;
+ Cán bộ, công chức, viên chức làm việc ở những ngành, nghề có liên quan đến bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật;
+ Sỹ quan, hạ sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp trong các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên thì việc xử lý vốn góp được quy định như thế nào?
Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên khi nào?
Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN như sau:
Chấm dứt tư cách thành viên
1. Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Trường hợp đương nhiên mất tư cách: Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; thành viên là hộ gia đình không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư này; thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó bị giải thể, phá sản hoặc không có người đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư này để cử làm đại diện; thành viên đã chuyển hết vốn góp cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
b) Trường hợp tự nguyện: Thành viên tự nguyện và được Hội đồng quản trị chấp thuận chấm dứt tư cách thành viên quỹ tín dụng nhân dân và được Đại hội thành viên thông qua theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
c) Trường hợp khai trừ: Thành viên bị Đại hội thành viên khai trừ ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân do:
(i) Không đảm bảo đủ vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Thông tư này;
(ii) Có hành vi giả mạo, gian lận hồ sơ thành viên;
(iii) Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
Như vậy, Thành viên quỹ tín dụng nhân dân chấm dứt tư cách thành viên khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể như sau:
(1) Trường hợp đương nhiên mất tư cách
- Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự;
- Thành viên là hộ gia đình không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN;
- Thành viên là pháp nhân khi tổ chức đó bị giải thể, phá sản hoặc không có người đủ điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN để cử làm đại diện;
- Thành viên đã chuyển hết vốn góp cho người khác theo quy định của pháp luật và Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
(2) Trường hợp tự nguyện: Thành viên tự nguyện và được Hội đồng quản trị chấp thuận chấm dứt tư cách thành viên quỹ tín dụng nhân dân và được Đại hội thành viên thông qua theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân;
(3) Trường hợp khai trừ
Thành viên bị Đại hội thành viên khai trừ ra khỏi quỹ tín dụng nhân dân do:
- Không đảm bảo đủ vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 28 Thông tư 04/2015/TT-NHNN;
- Có hành vi giả mạo, gian lận hồ sơ thành viên;
- Các trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ quỹ tín dụng nhân dân.
Xử lý vốn góp của thành viên đối với thành viên chấm dứt tư cách thành viên như thế nào?
Căn cứ tại khoản 2 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN, việc xử lý vốn góp của thành viên đối với thành viên chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại mục 2 thực hiện như sau:
- Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN thì:
(i) Thành viên là cá nhân bị chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự, thành viên là hộ gia đình không có người đại diện đủ điều kiện theo quy định tại Điều 31 Thông tư 04/2015/TT-NHNN:
Thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự về thừa kế, mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự và các quy định của pháp luật có liên quan;
(ii) Thành viên là pháp nhân bị giải thể, phá sản: Thực hiện theo quy định của pháp luật về giải thể, phá sản;
- Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN: Thành viên được chuyển nhượng vốn góp theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 04/2015/TT-NHNN hoặc được hoàn trả vốn góp theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 04/2015/TT-NHNN
- Trường hợp chấm dứt tư cách thành viên theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 Thông tư 04/2015/TT-NHNN: Thành viên không được chuyển nhượng vốn góp. Việc hoàn trả vốn góp thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Thông tư 04/2015/TT-NHNN