09:44 - 20/09/2024

Số lượng cổ đông tối thiểu cần để thành lập công ty cổ phần là bao nhiêu người, tối đa bao nhiêu người?

Số lượng cổ đông tối thiểu,tối đa cần để thành lập công ty cổ phần là bao nhiêu? Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ được không? Được chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi không?

Nội dung chính

    Muốn thành lập công ty cổ phần thì cần tối thiểu bao nhiêu cổ đông, tối đa bao nhiêu cổ đông?

    Tại Điều 111 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định công ty cổ phần như sau:

    1. Công ty cổ phần là doanh nghiệp, trong đó:

    a) Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần;

    b) Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa;

    c) Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp;

    d) Cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120 và khoản 1 Điều 127 của Luật này.

    2. Công ty cổ phần có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

    3. Công ty cổ phần có quyền phát hành cổ phần, trái phiếu và các loại chứng khoán khác của công ty.

    Như vậy, theo quy định trên thì để thành lập công ty cổ phần thì cần tối thiểu 3 cổ đông và không hạn chế số lượng tối đa. Bạn và bạn của bạn thì chỉ mới có 2 người nên chưa đủ tiêu chí để thành lập công ty cổ phần.

    Nếu như là 2 người thì có thể thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Còn bạn vẫn muốn thành lập công ty cổ phần thì bạn phải có thêm 1 cổ đông nữa mới đủ 3 cổ đông (đủ tiêu chí để thành lập công ty) không hạn chế số lượng tối đa.

    Số lượng cổ đông tối thiểu cần để thành lập công ty cổ phần là bao nhiêu người, tối đa bao nhiêu người?  (Hình tư internet)

    Công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong những trường hợp nào?

    Theo Điều 112 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định vốn của công ty cổ phần như sau:

    1. Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã bán. Vốn điều lệ của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty.

    2. Cổ phần đã bán là cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần đã bán là tổng số cổ phần các loại đã được đăng ký mua.

    3. Cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần là tổng số cổ phần các loại mà Đại hội đồng cổ đông quyết định sẽ chào bán để huy động vốn. Số cổ phần được quyền chào bán của công ty cổ phần khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng số cổ phần các loại mà công ty sẽ chào bán để huy động vốn, bao gồm cổ phần đã được đăng ký mua và cổ phần chưa được đăng ký mua.

    4. Cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán cho công ty. Khi đăng ký thành lập doanh nghiệp, cổ phần chưa bán là tổng số cổ phần các loại chưa được đăng ký mua.

    5. Công ty có thể giảm vốn điều lệ trong trường hợp sau đây:

    a) Theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục từ 02 năm trở lên kể từ ngày đăng ký thành lập doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông;

    b) Công ty mua lại cổ phần đã bán theo quy định tại Điều 132 và Điều 133 của Luật này;

    c) Vốn điều lệ không được các cổ đông thanh toán đầy đủ và đúng hạn theo quy định tại Điều 113 của Luật này.

    Do đó, công ty cổ phần có thể giảm vốn điều lệ trong 3 trường hợp đã được nêu trên.

    Cổ phần phổ thông có thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi không?

    Căn cứ Điều 114 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định các loại cổ phần như sau:

    1. Công ty cổ phần phải có cổ phần phổ thông. Người sở hữu cổ phần phổ thông là cổ đông phổ thông.

    2. Ngoài cổ phần phổ thông, công ty cổ phần có thể có cổ phần ưu đãi. Người sở hữu cổ phần ưu đãi gọi là cổ đông ưu đãi. Cổ phần ưu đãi gồm các loại sau đây:

    a) Cổ phần ưu đãi cổ tức;

    b) Cổ phần ưu đãi hoàn lại;

    c) Cổ phần ưu đãi biểu quyết;

    d) Cổ phần ưu đãi khác theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật về chứng khoán.

    3. Người được quyền mua cổ phần ưu đãi cổ tức, cổ phần ưu đãi hoàn lại và cổ phần ưu đãi khác do Điều lệ công ty quy định hoặc do Đại hội đồng cổ đông quyết định.

    4. Mỗi cổ phần của cùng một loại đều tạo cho người sở hữu cổ phần đó các quyền, nghĩa vụ và lợi ích ngang nhau.

    5. Cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Cổ phần ưu đãi có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

    6. Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.

    7. Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.

    Theo đó, cổ phần phổ thông không thể chuyển đổi thành cổ phần ưu đãi. Tuy nhiên cổ phần ưu đãi lại có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông theo nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

    Trân trọng!

    9