16:18 - 11/11/2024

Sau thời gian bao lâu thì Tòa phúc thẩm xét xử vụ án dân sự về ly hôn gửi bản án ly hôn cho hai bên vợ chồng?

Sau thời gian bao lâu thì Tòa phúc thẩm xét xử vụ án dân sự về ly hôn gửi bản án ly hôn cho hai bên vợ chồng? Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên thì phải đang công tác tại Đoàn thanh niên? Ai được quyền yêu cầu đối chất khi giải quyết vụ án dân sự?

Nội dung chính

    Sau thời gian bao lâu thì Tòa phúc thẩm xét xử vụ án dân sự về ly hôn gửi bản án ly hôn cho hai bên vợ chồng? 

    Vụ án tranh chấp ly hôn của vợ chồng tôi vừa được Tòa tỉnh xét xử ngày 25/11, cho hỏi khi nào thì chúng tôi nhận được bản án từ Tòa?

    Trả lời:

    Theo Khoản 1 Điều 315 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về gửi bản án, quyết định phúc thẩm, như sau:

    Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, quyết định phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi bản án, quyết định phúc thẩm cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm, Viện kiểm sát cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

    Trường hợp Tòa án nhân dân cấp cao xét xử phúc thẩm thì thời hạn này có thể dài hơn, nhưng không quá 25 ngày.

    ...

    Như vậy, theo quy định thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra bản án, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ phải gửi bản án người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo, kháng nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ.

    Hội thẩm nhân dân xét xử vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên thì phải đang công tác tại Đoàn thanh niên? 

    Trong xét xử vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên thì bắt buộc phải có Hội thẩm nhân dân công tác tại Đoàn thanh niên, Hội liên hiệp phụ nữ,... Vậy có bắt buộc phải đang công tác tại đó không?

    Trả lời: 

    Tại Điều 63 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:

    Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự gồm một Thẩm phán và hai Hội thẩm nhân dân, trừ trường hợp quy định tại Điều 65 của Bộ luật này. Trong trường hợp đặc biệt thì Hội đồng xét xử sơ thẩm có thể gồm hai Thẩm phán và ba Hội thẩm nhân dân.

    Đối với vụ án có đương sự là người chưa thành niên thì phải có Hội thẩm nhân dân là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em.

    ...

    Theo như quy định thì Hội thẩm nhân dân trong khi xét xử vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên thì phải là người đã hoặc đang công tác tại Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em. Do đó, không bắt buộc Hội thẩm nhân dân phải đang công tác tại những cơ quan, tổ chức trên, trước đây họ từng công tác tại đó vẫn đủ tư cách tham gia Hội đồng xét xử vụ án dân sự.

     

    Ai được quyền yêu cầu đối chất khi giải quyết vụ án dân sự?

    Cho hỏi, khi giải quyết vụ án dân sự thì những ai được quyền yêu cầu đối chất? 

     

    Trả lời:

    Căn cứ Khoản 1 Điều 100 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định:

    Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

    Theo quy định trên thì chỉ có đương sự của vụ án mới có quyền yêu cầu tiến hành đối chất (Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan).

    Trân trọng!

    15