17:39 - 20/11/2024

Quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng

Em đang theo học tại Cao đẳng y tế TPHCM. Để hoàn thành bài báo cáo của em, em có thắc mắc muốn nhờ Ban biên tập tư vấn giúp em, cụ thể là quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này?

Nội dung chính

    Quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng

    Quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định tại Điều 5 Thông tư 18/2014/TT-BQP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề khám, chữa bệnh và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng như sau:

    1. Người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có quyền và trách nhiệm theo quy định tại các Điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 53 Luật khám bệnh, chữa bệnh.

    2. Ngoài việc thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện các quy định theo Điều lệ công tác quân y và Điều lệnh quản lý bộ đội của Bộ Quốc phòng.

    Theo đó, Điều 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40, 53 Luật khám bệnh, chữa bệnh 2009 quy định như sau:

    Điều 31. Quyền được hành nghề

    1. Được hành nghề theo đúng phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.

    2. Được quyết định và chịu trách nhiệm về chẩn đoán, phương pháp điều trị bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề.

    3. Được ký hợp đồng hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật cho một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

    4. Được tham gia các tổ chức xã hội – nghề nghiệp.

    Điều 32. Quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh

    1. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh mà tiên lượng bệnh vượt quá khả năng hoặc trái với phạm vi hoạt động chuyên môn của mình, nhưng phải báo cáo với người có thẩm quyền hoặc giới thiệu người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác để giải quyết. Trong trường hợp này, người hành nghề vẫn phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được chuyển đi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác.

    2. Được từ chối khám bệnh, chữa bệnh nếu việc khám bệnh, chữa bệnh đó trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.

    Điều 33. Quyền được nâng cao năng lực chuyên môn

    1. Được đào tạo, đào tạo lại và cập nhật kiến thức y khoa liên tục phù hợp với trình độ chuyên môn hành nghề.

    2. Được tham gia bồi dưỡng, trao đổi thông tin về chuyên môn, kiến thức pháp luật về y tế.

    Điều 34. Quyền được bảo vệ khi xảy ra tai biến đối với người bệnh

    1. Được pháp luật bảo vệ và không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng quy định về chuyên môn kỹ thuật mà vẫn xảy ra tai biến

    2. Được đề nghị cơ quan, tổ chức, hội nghề nghiệp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi xảy ra tai biến đối với người bệnh

    Điều 35. Quyền được bảo đảm an toàn khi hành nghề

    1. Được trang bị phương tiện bảo hộ lao động, vệ sinh lao động để phòng ngừa, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, tai nạn liên quan đến nghề nghiệp.

    2. Được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, danh dự, thân thể.

    3. Trường hợp bị người khác đe dọa đến tính mạng, người hành nghề được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc chính quyền nơi gần nhất.

    Điều 36. Nghĩa vụ đối với người bệnh

    1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật này.

    2. Tôn trọng các quyền của người bệnh, có thái độ ân cần, hòa nhã với người bệnh.

    3. Tư vấn, cung cấp thông tin theo quy định tại khoản 1 Điều 7 và khoản 1 Điều 11 của Luật này.

    4. Đối xử bình đẳng với người bệnh, không để lợi ích cá nhân hay sự phân biệt đối xử ảnh hưởng đến quyết định chuyên môn của mình.

    5. Chỉ được yêu cầu người bệnh thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh đã niêm yết công khai theo quy định của pháp luật.

    Điều 37. Nghĩa vụ đối với nghề nghiệp

    1. Thực hiện đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.

    2. Chịu trách nhiệm về việc khám bệnh, chữa bệnh của mình.

    3. Thường xuyên học tập, cập nhật kiến thức y khoa liên tục để nâng cao trình độ chuyên môn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    4. Tận tâm trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh.

    5. Giữ bí mật tình trạng bệnh của người bệnh, những thông tin mà người bệnh đã cung cấp và hồ sơ bệnh án, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật này.

    6. Thông báo với người có thẩm quyền về người hành nghề có hành vi lừa dối người bệnh, đồng nghiệp hoặc vi phạm quy định của Luật này.

    7. Không được kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì vụ lợi.

    Điều 38. Nghĩa vụ đối với đồng nghiệp

    1. Hợp tác và tôn trọng đồng nghiệp trong khám bệnh, chữa bệnh.

    2. Bảo vệ danh dự, uy tín của đồng nghiệp.

    Điều 39. Nghĩa vụ đối với xã hội

    1. Tham gia bảo vệ và giáo dục sức khỏe tại cộng đồng.

    2. Tham gia giám sát về năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khác.

    3. Chấp hành quyết định điều động của cơ quan quản lý trực tiếp theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Luật này.

    4. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

    Điều 40. Nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp

    Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    ...

    Điều 53. Trách nhiệm của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

    1. Tổ chức việc cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh kịp thời cho người bệnh.

    2. Thực hiện quy định về chuyên môn kỹ thuật và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

    3. Công khai thời gian làm việc, niêm yết giá dịch vụ và thu theo đúng giá đã niêm yết.

    4. Báo cáo cơ quan cấp giấy phép hoạt động trong trường hợp thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người hành nghề là người nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    5. Bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề được quy định tại Luật này.

    6. Bảo đảm các điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi hoạt động chuyên môn được phép

    7. Chấp hành quyết định huy động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh nguy hiểm.

    8. Trường hợp dừng hoạt động, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm chuyển người bệnh, hồ sơ bệnh án đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phù hợp và quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh với người bệnh.

    Trên đây là nội dung tư vấn về quyền và trách nhiệm của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc Bộ Quốc phòng. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 18/2014/TT-BQP.

    35
    Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ