Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án và người quyết định đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng là gì?
Nội dung chính
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 70 Luật Xây dựng 2014 quy định quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án, quản lý dự án đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng như sau:
- Về quyền:
+ Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nhiệm vụ tư vấn được giao;
+ Được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm tư vấn của mình theo quy định của pháp luật;
+ Từ chối thực hiện yêu cầu trái pháp luật của chủ đầu tư;
+ Các quyền khác theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan.
- Về nghĩa vụ:
+ Thực hiện nghĩa vụ theo nội dung hợp đồng đã được ký kết phù hợp với điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật;
+ Chịu trách nhiệm về chất lượng công việc theo hợp đồng đã được ký kết;
+ Bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp kỹ thuật, tổ chức quản lý không phù hợp và vi phạm hợp đồng làm thiệt hại cho chủ đầu tư;
+ Các nghĩa vụ khác theo quy định của hợp đồng và của pháp luật có liên quan.
Quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tư vấn lập dự án và người quyết định đầu tư xây dựng trong thực hiện dự án đầu tư xây dựng là gì?
Quyền, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng là gì?
Căn cứ tại Điều 71 Luật xây dựng 2014 (được sửa đổi bởi khoản 21 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) quy định cơ quan, tổ chức thẩm định dự án đầu tư xây dựng có các quyền và nghĩa vụ sau:
Về quyền:
(1) Cơ quan chủ trì thẩm định có các quyền sau:
- Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin phục vụ thẩm định;
- Yêu cầu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra hoặc mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết;
- Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định hoặc các yêu cầu vượt quá năng lực, phạm vi công việc thẩm định theo quy định.
(2) Cơ quan chuyên môn về xây dựng có các quyền sau:
- Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập, thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin phục vụ thẩm định;
- Yêu cầu cơ quan quản lý quy hoạch, kiến trúc địa phương nơi có dự án cung cấp thông tin về quy hoạch có liên quan khi cần thiết;
- Yêu cầu chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn thực hiện thẩm tra hoặc mời tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm tham gia thẩm định khi cần thiết;
- Bảo lưu kết quả thẩm định, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm định.
(3) Tổ chức thẩm tra có các quyền sau:
- Yêu cầu chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở cung cấp, giải trình, làm rõ các thông tin phục vụ thẩm tra;
- Bảo lưu kết quả thẩm tra, từ chối thực hiện yêu cầu làm sai lệch kết quả thẩm tra hoặc các yêu cầu vượt quá năng lực, phạm vi công việc thẩm tra.
Về nghĩa vụ, trách nhiệm:
(1) Cơ quan chủ trì thẩm định có các trách nhiệm sau:
- Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này và tổng hợp các ý kiến, kết quả thẩm định của cơ quan, tổ chức có liên quan để trình người quyết định đầu tư phê duyệt dự án, quyết định đầu tư xây dựng;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và người quyết định đầu tư về kết quả công việc do mình thực hiện.
(2) Cơ quan chuyên môn về xây dựng có các trách nhiệm sau:
- Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của Luật này;
- Thông báo ý kiến, kết quả thẩm định bằng văn bản gửi chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả công việc do mình thực hiện.
(3) Tổ chức thẩm tra có các trách nhiệm sau:
- Thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng theo yêu cầu của chủ đầu tư và quy định của Luật này;
- Giải trình, làm rõ kết quả thẩm tra để phục vụ công tác thẩm định;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật và chủ đầu tư về kết quả công việc do mình thực hiện.
Người quyết định đầu tư xây dựng có những quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Theo Điều 72 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 22 Điều 1 Luật Xây dựng sửa đổi 2020) người quyết định đầu tư xây dựng có các quyền và nghĩa vụ sau:
Về quyền:
- Phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng. Đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công, dự án PPP, việc phân cấp, ủy quyền phê duyệt dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư;
- Không phê duyệt dự án khi không đáp ứng mục tiêu đầu tư và hiệu quả dự án;
- Đình chỉ thực hiện dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt hoặc đang triển khai thực hiện khi thấy cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật;
- Thay đổi, điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng khi thấy cần thiết phù hợp với quy định tại Điều 61 của Luật này;
- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Về trách nhiệm:
- Tổ chức thẩm định dự án và quyết định đầu tư xây dựng;
- Bảo đảm nguồn vốn để thực hiện dự án đầu tư xây dựng;
- Kiểm tra việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng của chủ đầu tư; tổ chức giám sát, đánh giá dự án đầu tư xây dựng theo quy định tại Điều 8 của Luật này;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình;
- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.